Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Được giải thoát

Thứ Hai Tuần XXX Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: 
 Lc 13,10-17

LỜI CHÚA:

Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!" (Lc 13,12).

SUY GẪM:

1. Cách chung, Luật Chúa và luật Giáo Hội nhằm giải phóng con người khỏi mọi trói buộc của tội lỗi và tật xấu. Cách riêng, luật thánh hóa ngày Sabát (nay đổi thành ngày Chúa Nhật) cũng thế. Tuy nhiên, một cách hiểu luật và giữ luật hoàn toàn vụ luật khiến cho luật trở thành xiềng xích và con người thành nô lệ.
2. Truyện cổ Đông phương kể rằng: ngày xưa, có vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn kì diệu và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quí hiếm và gắn nhiều kim cương lóng lánh. Nó kì diệu ở chỗ: nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, ngón tay rất đau đớn.
Mỗi người chúng ta cũng có một chiếc nhẫn thần là lề luật của Chúa. (Góp nhặt)
3. Chứng bệnh của bà này cũng tượng trưng cho tội lỗi, cho nên Thánh Luca nói bà này “bị quỷ ám”. Tội lỗi làm cho người ta “bị khòm lưng” và “không trông lên được”.
Xin Chúa hãy “nhìn thấy” hoàn cảnh khốn khổ của con vì tội lỗi, xin Chúa “đặt tay” lên con, làm cho con “đứng thẳng” và nhìn lên cao để tôn vinh Thiên Chúa.
4. Ngày Chúa Nhật là ngày giải phóng. Trong ngày đó, tôi phải ca tụng tạ ơn Chúa vì đã giải phóng tôi. Tôi phải quan tâm giải phóng chính mình khỏi mọi thứ xiềng xích xấu xa đang trói buộc mình, và cũng phải quan tâm giải phóng người khác khỏi lao nhọc, buồn khổ.
5. Truyện rất ngắn với tựa đề “Tính cách” của tác giả Nguyễn Thị Hoài Thanh đăng trong 40 truyện rất ngắn do Hội Nhà văn xuất bản năm 1994 có nội dung như sau:
Mẹ tôi luôn chai lì trước cán cân cơm áo, nhưng mẫn cảm trong nghệ thuật. Những nước mắt tình buồn phim ảnh, những sụt sùi số phận cải lương, bà đều hồn nhiên ăn theo một cách ngon lành. Có lần cha tôi nói giỡn: “Coi chừng trôi tivi”…
Một hôm, đang bữa ăn, bỗng nhiên mẹ tôi hớn háo phớt ra chặn đường em bé bán trứng vịt lộn: “Mày biến đâu tài thế! Có chui xuống đất rồi cũng gặp tao”. Bà vừa nói vừa dằn mũng trứng đếm lấy trừ nợ. “Dì ơi, cho con khất, mẹ con còn ốm”. Mẹ tôi cười: “Nhà này cũng đang ốm đây, khỏi bẻm mép”. Con bé chưng hửng lã chã nước mắt nhìn cái mũng không, rồi bưng lên xiêu vẹo bước đi. Cha tôi cám cảnh, rút mùi xoa chấm mắt. Lâu lâu tivi phát vở kịch “Cô bé nghèo bán trứng vịt bị xiết nợ”. Lúc ấy, mẹ tôi lại khóc, còn cha tôi thì cười.
Truyện ngắn trên đây có thể là bức tranh sống động hàng ngày. Người ta dành nước mắt cho những vở kịch trong phim ảnh, trên sân khấu hơn là cho những chuyện xảy ra mỗi ngày trước mắt; người ta xót thương trên môi miệng hơn là bằng những hành vi cụ thể.
Thời Chúa Giêsu, có lẽ những người biệt phái cũng có một tính cách như thế. Họ nhân danh lề luật, nhất là luật ngày hưu lễ, để biện minh cho thái độ sống ích kỷ của mình. (Trích: Mỗi ngày một tin vui).
CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con giữ luật Chúa dạy với một lòng yêu mến, để luật Chúa không trở thành gánh nặng nề đối với cuộc sống của con, nhưng để tốt cho phần rỗi của con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét