Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Hãy đi

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN - Năm A
Lời Chúa: 
 Mt 28,16-20

"Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân." (Mt 28,18-19).

Ý nghĩa đích thực của việc thăng thiên: đó là Chúa Giêsu đã lấy lại vinh quang, Ngài vẫn còn ở bên cạnh chúng ta luôn mãi, và nhờ vinh quang, Ngài sẽ hỗ trợ đắc lực cho chúng ta.
Như thế, Lễ thăng thiên không làm cho chúng ta cứ đăm đăm nhìn trời với lòng bùi ngùi luyến tiếc, nhưng khuyến khích chúng ta quay về cuộc sống để chu toàn sứ mạng loan truyền Phúc Âm cho khắp thế giới, với lòng đầy hăng hái vì biết Chúa Giêsu vinh quang lúc nào cũng hỗ trợ chúng ta.
Một tù trưởng đã khéo léo lãnh đạo bộ lạc trong nhiều năm. Cuối cùng, ông chuẩn bị cái chết của mình cách rất bình thản. Người ta hỏi: "Sao ông bình thản vậy? Đau khổ và cái chết có gì vui đâu?" Ông đáp:
   "Con cá sinh ra trong con lạch nhỏ này, rồi xuôi dòng Missisipi, nhưng mùa xuân về, nó lại về đây như là về dòng sông quê hương. Con chim làm tổ trên kia, mùa ông nó vỗ cánh bay cả ngàn dặm về phương nam, nhưng khi xuân đến, nó lại tìm về tổ ấm ngày xưa
   Làm sao các con vật đó biết đường quay về, trong khi chẳng có bản đồ, không người hướng dẫn? Vì Thánh Linh đã đặt vào lòng chúng con đường trở về. Và Ngài cũng không quên đặt vào lòng mỗi người chúng ta con đường cuộc sống và con đường trở về. Tôi đang chuẩn bị cho đường về của tôi. Vậy làm sao tôi lại không vui chứ?
Lạy Chúa Giêsu, xin dẫn con bước theo đường của Chúa: Đường khiêm nhường phục vụ, trung thành vâng giữ lệnh Chúa truyền dạy: “Hãy yêu tha nhân như chính bản thân mình”.

Truyền thông phục vụ nền văn hoá gặp gỡ đích thực

Truyền thông phục vụ nền văn hoá gặp gỡ đích thực

Khi cử hành Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội, bao giờ chúng ta cũng tập trung vào Sứ điệp của Đức Thánh Cha, vì đó là giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Hơn thế nữa, khi mọi tín hữu Công giáo đều tập trung vào cùng một sứ điệp thì điều đó tạo nên sức mạnh lớn vì cùng ý thức trách nhiệm và cùng hành động cho mục tiêu được đề ra. Sứ điệp của Ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 48 có tựa đề Truyền thông phục vụ nền văn hóa gặp gỡ đích thựcSứ điệp đó, mọi người đã có trên tay và cần đọc đi đọc lại nhiều lần để suy nghĩ và cầu nguyện. Ở đây chỉ xin chia sẻ một vài cảm nhận trong bầu khí gia đình.
1. Tinh thần lạc quan
Cảm nhận đầu tiên của tôi là tinh thần lạc quan của sứ điệp. Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII trong diễn văn khai mạc Công đồng Vatican II đã cảnh giác các nghị phụ và toàn thể Giáo Hội về những tiên tri báo họa, những người “đầy lòng nhiệt thành tôn giáo nhưng lại thiếu chín chắn trong việc phán đoán và trong cách nhìn mọi sự, họ chỉ nhìn thấy tai ương và đổ vỡ…chỉ biết rao giảng tai họa, làm như thế giới này sắp chấm dứt”. Đức giáo hoàng Phanxicô ngày nay cũng có tinh thần lạc quan như thế nên trong thông điệp Evangelii Gaudium (Niềm Vui Phúc Âm), ngài kêu gọi chúng ta hãy nói “không” với thuyết bi quan cằn cỗi. Thay vào đó là một tầm nhìn lạc quan, không phủ nhận rằng vẫn còn đó những điều xấu và chưa tốt trong cuộc sống, nhưng đồng thời lại thấy đó như những thách đố để phát triển, chứ không phải như lời bào chữa cho sự bi quan và khép kín. Nói theo ngôn ngữ Tin Mừng, niềm tin giúp chúng ta “nhìn thấy nước có thể hóa thành rượu và khám phá hạt giống đang lớn lên ngay giữa cỏ lùng” (số 84).
Tinh thần lạc quan ấy là thái độ cần thiết khi nhìn vào thế giới truyền thông ngày nay, cách riêng là internet. Không thể phủ nhận rằng internet hàm chứa những mặt trái, chẳng hạn tốc độ chóng mặt của thông tin ngày nay khiến con người không còn đủ thời giờ để suy nghĩ và phán đoán, do đó dễ gây mất quân bình; quá nhiều luồng ý kiến được trình bày khiến người ta dễ bị rơi vào tình trạng hoang mang, mất định hướng; bên cạnh những hình ảnh và thông tin tích cực làm gia tăng hiểu biết và nâng cao tâm hồn, internet cũng là phương thế thuận lợi cho việc gieo rắc biết bao thảm họa cho đời sống tinh thần. Tuy nhiên, không thể nhân danh những giới hạn và hiểm họa đó để vứt bỏ internet, mạng xã hội.Vấn đề là ý thức rằng truyền thông không chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật nhưng là vấn đề “con người”. Chính con người mới là chủ thể và tác giả của những phương tiện truyền thông. Từ đó, điều quan trọng là phải làm sao để truyền thông phục vụ con người và những giá trị nhân văn, phục vụ tình yêu hơn là hận thù, phục vụ hiệp thông thay vì xa cách, phục vụ sự liên đới thay vì cô lập. Văn hóa gặp gỡ là ở đó.
2. Tính thời sự của Phúc Âm
Cảm nhận kế tiếp của tôi khi đọc Sứ điệp là tính thời sự của Tin Mừng. Trong sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông năm nay, để giúp suy nghĩ về nền văn hóa gặp gỡ, Đức giáo hoàng Phanxicô vận dụng hai hình ảnh trong sách Tin Mừng Luca, một là hình ảnh người Samari nhân hậu, hai là hình ảnh Chúa Kitô Phục sinh đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus. Xét về thời gian, đây toàn là những hình ảnh của thời xa xưa, thời người ta di chuyển bằng cách đi bộ hay đi ngựa, về mặt thông tin lại càng kém hơn vì chưa có máy in, sách vở, nói chi đến internet. Thế nhưng những hình ảnh đó vẫn còn rất sống động và cần thiết để gợi ý suy nghĩ cho con người thời hiện đại.
Thế mới thấy rõ tính thời sự của Lời Chúa. Lại càng rõ nét hơn nữa vì hai hình ảnh này đều được rút ra từ Tin Mừng Luca, vốn được gọi là Tin Mừng của “hôm nay”. Trong Tin Mừng Luca, khi Đức Giêsu giáng sinh tại Bêlem, sứ thần Chúa báo tin cho các mục đồng, “Hôm nay, Đấng Cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít” (2,11). Trong hội đường Nadarét, sau khi đọc đoạn sách Isaia, Đức Giêu tuyên bố, “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh anh chị em vừa nghe” (4,21). Khi vào nhà ông Dakêu, Đức Giêsu nói, “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (19,9). Trên đồi Canvê, Đức Giêsu nói với người trộm lành, “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (23,43).
Dù được viết ra cách đây 20 thế kỷ, Tin Mừng vẫn luôn là Tin Mừng cho hôm nay, và sẽ mãi như vậy cho đến tận thế. Cho nên dù sống ở thời đại nào và trong hoàn cảnh nào, Tin Mừng vẫn là người bạn đồng hành tuyệt vời cho những ai mong có sự sống dồi dào, phong phú từ hôm nay và trọn vẹn trong đời sống vĩnh hằng. Chính vì thế Đức giáo hoàng Phanxicô mới tặng khách hành hương sách Phúc Âm bỏ túi. Hơn ai hết, những người làm công tác truyền thông phải bỏ vào túi mình cuốn sách Phúc Âm, để lúc nào cũng có Chúa Giêsu đồng hành như với hai môn đệ Emmaus, và để Lời Chúa soi sáng những chọn lựa, hành động của mình.
3. Nền văn hóa gặp gỡ
Khi suy nghĩ về truyền thông trong ánh sáng của hai trình thuật Tin Mừng nói trên, có thể thấy được điều gì?
Trước hết, một câu hỏi xuất hiện: Liệu có khi nào truyền thông đóng vai trò kẻ cướp không? Vận dụng dụ ngôn Người Samari nhân hậu để suy nghĩ về truyền thông, Đức Phanxicô đưa ra nhận xét rất hay: “Bất cứ khi nào truyền thông chỉ nhắm mục đích chính là thúc đẩy tiêu thụ và thao túng người khác, thì đó là một hình thức tấn công hung hãn như nhân vật trong dụ ngôn đã bị bọn cướp đánh tơi tả và bỏ nằm đó nửa sống nửa chết”. Nói cách đơn giản, truyền thông có nguy cơ trở thành kẻ cướp!
Truyền thông có thể cướp đi phẩm giá con người. Hãy nghĩ đến hằng triệu người, nhất là người trẻ, bị đầu độc vì những phim ảnh khiêu dâm trên internet, dẫn đến chứng nghiện sex, lối sống buông thả, không thấy cuộc đời có ý nghĩa và giá trị nào lớn hơn chuyện xác thịt.
Truyền thông có thể cướp đi sự thật khi những người có thế lực và tiền của nắm trong tay những phương tiện truyền thông, sử dụng những phương tiện đó để phục vụ mưu đồ và tính toán của họ, bằng những thông tin một chiều, che giấu sự thật và gieo rắc gian dối.
Truyền thông có thể cướp đi cả mạng sống con người. Hãy nghĩ đến những bạn trẻ bị biến thành trò cười trên các mạng xã hội. Có người chịu không nổi, phải tự tử. Có người chưa tự tử thì sống dở chết dở, suốt đời mang mặc cảm tự ti. Điều này đang xảy ra khắp nơi trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Dụ ngôn Người Samari nhân hậu còn cho thấy sự khác biệt giữa thấy và gặp. Hai tư tế thấy nạn nhân và bỏ qua. Họ thấy nhưng không gặp. Cũng thế, hằng ngày đi ngoài đường, chúng ta thấy biết bao người nhưng không gặp, vì thấy người ta cũng như thấy cột đèn và cây cối trên đường đi chứ không hề đi vào cuộc tiếp xúc nào. Trong thế giới internet cũng thế, chỉ nguyên từ “lướt web” đã đủ diễn tả thực tế này, là thấy biết bao hình ảnh và thông tin nhưng không gặp. Dửng dưng, xa lạ, hững hờ, hời hợt! Cho nên Đức Phanxicô kêu gọi chúng ta : “Chỉ nối mạng mà thôi thì chưa đủ, việc nối mạng này cần phải phát triển thành những cuộc gặp gỡ thật sự”, nghĩa là truyền thông phải phục vụ nền văn hóa gặp gỡ đích thực.
Để thật sự gặp gỡ, cần có sự đồng cảm, lắng nghe, chia sẻ.
Đồng cảm là đặt mình vào trạng thái của người khác. Trong câu truyện Về Emmaus, người khách lạ hỏi hai môn đệ, “Hai ông có chuyện gì trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Thế là họ có dịp bày tỏ nỗi lòng. Trong dụ ngôn Người Samari nhân hậu cũng thế, ông ta không chỉ thấy nạn nhân nhưng còn dừng chân, xuống ngựa và chăm sóc nạn nhân.
Đồng cảm dẫn đến lắng nghe như Đức Kitô Phục sinh lắng nghe nỗi niềm buồn đau và thất vọng của hai môn đệ Emmaus, như người Samari nhân hậu lắng nghe nỗi đau của nạn nhân.
Sự lắng nghe chân thành còn dẫn đến nỗ lực giúp tha nhân vượt qua khó khăn. Người Samari nhân hậu tìm cách chữa trị vết thương của nạn nhân, không những xoa dầu mà còn đưa về quán trọ, trả tiền bác sĩ. Đức Kitô Phục sinh cũng chữa trị nỗi buồn và thất vọng của hai môn đệ bằng cách khai mở tầm nhìn mới cho các ông, để các ông nhìn mọi sự trong một ánh sáng mới, khi đó tâm hồn các ông “bừng lửa”, tràn ngập niềm vui và hi vọng.
Kết luận
Mỗi khi lên mạng, bước vào thế giới internet và social media, hãy tự nhủ đừng bao giờ để mình thành kẻ cướp và cũng cảnh giác để không trở thành nạn nhân của kẻ cướp. Cũng không chỉ sử dụng truyền thông cách hời hợt nhưng phải trở thành người phục vụ nền văn hóa gặp gỡ, với con tim đồng cảm, biết lắng nghe và chia sẻ, cùng nhau làm những điều tốt đẹp.
Để có được sự gặp gỡ đích thực như thế, với các Kitô hữu, giả thiết phải có cuộc gặp gỡ ở chiều sâu tâm hồn : Gặp gỡ Lời Chúa, gặp gỡ chính mình. Đây là lý do Đức Phanxicô kêu gọi chúng ta phải dành thời giờ và tập thói quen sống thinh lặng, kiên nhẫn. Chỉ khi chúng ta cảm nghiệm được Chúa Kitô Phục sinh đồng hành với mình và làm cho tâm hồn mình bừng sáng bằng Lời của Ngài, khi ấy ta mới có thể trở thành những người sử dụng truyền thông để phục vụ nền văn hóa gặp gỡ đích thực.
Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội 2014
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Dấu ấn yêu thương

Ngày 31/5 - Đức Maria thăm viếng bà Êlisabét (Lễ kính)
Lời Chúa: 
 Lc 1,39-56

"Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?" (Lc 1,43).

Mẹ Maria ơi! Ngày xưa Mẹ thật đơn sơ và dễ thương khi hăng hái lên đường giúp bà Êlisabét. Những bước chân nhẹ nhàng, đầy niềm vui phục vụ. Rồi ngày Mẹ lo lắng sợ hãi đem trẻ Giêsu trốn sang Ai cập. Những bước chân nặng nề, cuống cuồng vì tai họa trần gian… Và con không cảm nhận hết tâm trạng của Mẹ khi theo sau Chúa Giêsu trên đường lên núi Sọ. Nhìn những giọt máu của con mình cùng cái chết dành cho loại tử tội xấu xa, những bước chân nhục nhã, đau khổ… Thánh giá Mẹ vác quá nặng mà Mẹ vẫn vượt qua và bước tới.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con xác tín rằng những bước chân vui buồn khấp khểnh ở đời này, từng bước đường sướng khổ gập ghềnh hôm nay sẽ làm nên lối nhỏ dẫn lên Trời nếu con bước với lòng phó thác, tin yêu. (Hosanna)
 Lạy Chúa, xin cho niềm vui có Chúa ở cùng luôn mang lại cho chúng con tinh thần hăng say và nhiệt tình sống phục vụ tha nhân. 

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Trở thành niềm vui

Thứ Sáu Tuần VI Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 16,20-23a

Thầy bảo thật anh em: "Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui." (Ga 16,20).

Vì ghen tức, Jenny trong bộ phim "Trở lại Eden" định bắn chị là Stephany trong bữa tiệc Stephany mừng thắng cược, nhưng đã bị Jack, chồng của cô ta, cản lại. Trong cuộc giằng co với Jack, cô đã bắn trúng chồng mình. Stephany giành lại khẩu súng trong tay Jenny thì bị vu cáo là thủ phạm. Stephany vào tù, không một chứng cớ để biện minh. Hết sức đau khổ, nhưng bà vững tin vào chân lý.
Thế giới hôn nay vẫn còn biết bao "Jenny" khác, ngang nhiên hãm hại người lành, đùa cợt trên nỗi đau của kẻ khác. Liệu Kitô hữu, những người tin vào Đức Kitô Phục Sinh, có vững một niềm tin và kiên trì trong cuộc chiến vì chính nghĩa cho tới khi toàn thắng không?
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết sống yêu mến tha nhân vì lòng yêu mến Chúa, để nhờ đó con tìm thấy ý nghĩa đích thực cho những hy sinh của con. 

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Chúa là niềm vui

Thứ Năm Tuần VI Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 16,16-20

Thầy bảo thật anh em: "Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui." (Ga 16,20).

Lạy Chúa, xin cho con được tín thác vào Chúa như con thơ an vui trong sự chăm sóc của cha mẹ.

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Sự thật

Thứ Tư Tuần VI Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 16,12-15

"Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy." (Ga16,13).

Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần của Chúa đến đổi mới cuộc đời chúng con. Xin giúp chúng con biết nói không với tội lỗi và bước đi trong ánh sáng của lề luật Chúa.

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Sai lầm

Thứ Ba Tuần VI Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 16,5b-11

"Khi Người đến, Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt." (Ga 16,8).

Chú bé bị mù từ bẩm sinh. Nhờ cuộc giải phẫu, mắt chú dần dần sáng ra. Ngày nọ, mẹ dẫn chú ra đường và mở mắt che, chú say sưa ngắm nhìn trời đất. Chú kêu lên: “Mẹ ơi, sao bao lâu nay mẹ không nói cho con hay đất trời đẹp như thế này.” Bà mẹ bật khóc nói: “Con ạ! Mẹ đã cố gắng nói cho con hay đấy chứ, nhưng lúc đó con làm sao hiểu được.”
Nếu Thánh Linh không gỡ màn che, mở con mắt tâm linh cho ta, thì ta cũng chẳng thấy sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con Chúa Thánh Thần, Ðấng làm cho chúng con được sống trong hiệp thông với Chúa Ba Ngôi. Xin giúp chúng con biết mau mắn thực thi ý Chúa. Xin giúp chúng con đừng vì lười biếng và u mê trong những đam mê lầm lạc mà lãng quên ân tình Chúa.

Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

Làm chứng

Thứ Hai Tuần VI Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 15,26--16,4a

"Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy." (Ga 15,26).

Sau những ngày làm đầy tớ cho một gia đình quý tộc, Sophie Berdanska phải thất nghiệp, đói rách, lang thang. Nàng được một gia đình Do Thái thuê về chăm sóc cho mấy đứa con nhỏ của họ. Nhưng ngay hôm đầu tiên, khi biết nàng là người công giáo, ông chủ đặt điều kiện là “Nàng không được giảng đạo” cho các con ông. Nàng nhận lời và bắt đầu công việc của mình bằng hết khả năng. Có điều trên cổ nàng luôn đeo một chiếc huy chương của cha nàng để lại, bên trong có nhét một mảnh giấy nhỏ, mà nàng nhất định không cho ai coi. Rồi đến khi lũ trẻ lâm bệnh, nàng ra sức chăm sóc, phục vụ. Lúc chúng được lành bệnh thì cũng là lúc nàng ngã bệnh và từ trần. Giờ đây người ta có thể đọc tấm giấy nhỏ trong tấm huy chương: “Khi người ta cấm tôi nói về đạo của tôi, tôi quyết sống đạo đức trước mặt họ như một chứng từ hùng hồn nhất”. Bàng hoàng rồi cảm phục, gia đình người chủ Do Thái liền xin nhận Bí tích Thánh tẩy.
Lạy Chúa, xin giúp con can đảm sống đạo trước mặt mọi người.

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Đấng phù trợ

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH - Năm A
Lời Chúa: 
 Ga 14,15-21

"Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi." (Ga 14,16).

Một ngày lộng gió, tôi đứng trên bờ biển với cảm giác ớn lạnh.
Nhưng tôi thấy những con chim biển chẳng chút sợ gì những đợt gió mạnh ấy, trái lại còn thích thú nữa.
Có lúc chúng lướt theo gió, có lúc chúng bay ngược chiều gió, chúng lao vút lên trời, rồi chúng đâm nhào xuống đất. Nhưng lúc nào chúng cũng biết vận dụng sức gió, và có thể nói sức mạnh của chúng chính là sức mạnh của gió.
Rồi tôi chợt hiểu câu nói của Đức Giêsu: "Thầy không để chúng con mồ côi. Thầy sẽ ban cho chúng con một Đấng Phù Trợ khác, đó là Chúa Thánh Thần". (Flor McCarthy, "Learning from the sea-gulls").
Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần, để con được trở nên chứng nhân can trường của Chúa trong cuộc sống hôm nay.

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Thầy đã chọn các con

Thứ Bảy Tuần V Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 15,18-21

"Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con." (Ga 15,19).

Lạy Chúa, xin con luôn biết chọn Chúa làm gia nghiệp và cùng đích cuộc đời con. 

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Hãy yêu mến nhau

Thứ Sáu Tuần V Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 15,12-17

"Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con." (Ga 5,12).

Hai vợ chồng nghèo đi kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trời giông bão, họ bị nước cuốn trôi. Chỉ có một khúc cây đủ sức cho một người bám. Người chồng bảo vợ hãy bám vào khúc cây, vì "em phải sống để lo các con". Người vợ cũng bảo chồng "Anh phải sống". Cuối cùng người vợ buông tay, tự tìm lấy cái chết cho mình, để nhường sự sống lại cho chồng và các con.
Từ 23 tháng chạp đến tết, đất nước Trung Quốc nhộn nhịp hẳn lên vì chuẩn bị cầu phúc. Trong những ngày này, Lố Tấn gặp thím Tường Lâm. Thím là một nông dân cần cù. Chồng trước thì chết sớm, chồng sau chết vì bị thương hàn, thằng con nhỏ thì bị chó sói vồ... Họ còn đồn rằng mai sau thím sẽ bị cưa đôi để chia cho hai con ma chồng. Thím luôn phải sống trong sợ hãi. Ai cũng coi thím là đồ ô uế. Chủ nhà không cho thím sờ tay vào các lễ vật, dù đó chỉ là cái chân đèn... Thím từ từ suy sụp và sinh hoảng loạn.
Lỗ Tấn thấy thím, tóc trắng toá, tay sách cái làn tre, trong có cái bát mẻ không đựng gì, tay kia cầm cây gậy trúc đầu dưới toe toé, lang thang trên đường, miệng lẩm bẩm gọi tên đứa con mình...
Tiết trời lạnh lẽo, thím nằm chết trên một đống tuyết vừa lúc giao thừa đến, pháo nổ vang trời. Các gia đình giàu có mở cửa ra, thấy vậy quát lên: "Tại sao chết vào lúc tao đang cầu phúc?"
Lạy Chúa, có nhiều người bên con vẫn đang âm thầm đau khổ chỉ vì những suy nghĩ, lời nói và hành động thiếu yêu thương của con. Xin giúp con hiểu và thực thi giới răn yêu thương của Ngài. 

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Tình yêu của Thầy

Thứ Năm Tuần V Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 15,9-11

"Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy." (Ga 15,9).

 Hễ đã yêu thương ai, hẳn chúng ta muốn sống bên cạnh người ấy để chia sẻ và lấy sở thích của người ấy làm sở thích của mình. Tình yêu giữa con người với nhau còn như thế, huống chi là tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Chúa Giêsu rất mực yêu thương các môn đệ, Ngài muốn họ ở với Ngài cũng như Ngài hằng mơ ước với kết hợp mật thiết với Chúa Cha; Ngài muốn họ thực hành lời Ngài cũng như Ngài luôn vânh mệnh truyền của Chúa Cha. (Mỗi ngày một niềm vui).
“Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Năm 1963, tại Washington, 200.000 người lắng nghe Matin Luther King. Vị mục sư da đen, người đoạt giải nobel hoà bình nói chuyện: “Tôi ước mơ một ngày kia, trên những cánh đồng miền Georgia, con cháu của những người nô lệ và những người chủ nô sẻ ngồi với nhau trong một bàn tiệc huynh đệ. Tôi ước mơ một ngày kia, 4 người con của tôi về sống trong một nước mà chúng không còn bị xét xử vì màu da nữa, nhưng vì công lao…”.
Ông ra sức thực hiện ước mơ ấy, biết bao khó khăn thử thách, ghen tương đố kỵ đã đổ xuống trên đầu ông, nhưng ông vẫn kiên quyết thực hiện hoài bão này.
Năn 1968, M.L.King đã gục dưới lằn đạn của những kẻ thù ghét ông. Nhưng công trình của ông vẫn được tiếp tục, bởi ước mơ của ông đã trở thành ước mơ của hàng triệu người trên thế giới.
Lạy Chúa, xin cho con biết ở lại trong tình thương của Chúa. 

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Gắn liền với Chúa

Thứ Tư Tuần V Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 15,1-8

"Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái." (Ga 15,5).

cuộc đổi đời nào cũng thường được đánh giá bằng những cái mất và những cái được. Tuy nhiên, với con mắt đức tin, người ta vẫn nhìn thấy cái được trong cái mất... Đức Hồng Y Etchegaray có lần đã nói "Đứng trước cánh rừng, chúng ta không nên dừng lại ở tiếng ngã đổ của cây rừng, nhưng hãy lắng nghe âm thanh những mầm non đang mọc lên." (Mỗi ngày một tin vui).

Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa cắt tỉa nơi tâm hồn chúng con khỏi những ước ao phạm tội, những toan tính xấu xa, những mưu đồ bất chính để chúng con luôn xứng đáng là đền thờ cho Chúa ngự trị.

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Bình an

Thứ Ba Tuần V Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 14,27-31a

"Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng." (Ga 14,27).

Một lần được phỏng vấn trên truyền hình, Mẹ Têrêsa trực diện với một kẻ hỏi cắc cớ: “Bà yêu thương người nghèo điều đó rất tốt. Nhưng còn biết bao nhiêu người giàu có của Vatican và Giáo hội thì sao?”
Mẹ nhìn thẳng vào người phỏng vấn và nói: “Thưa ông, ông không phải là người hạnh phúc. Có những điều đang sâu xé ông. Ông không có một chút bình an trong lòng”.
Lời đó làm ông xụ mặt, và Mẹ tiếp tục khiến ông thêm quặn đau: “Ông nên có niềm tin tưởng”.
- Làm thế nào tôi có được niềm tin?
- Ông nên cầu nguyện.
- Nhưng tôi không thể cầu nguyện.
- Tôi sẽ giúp ông. Nhưng phần ông, ông nên cho những người xung quanh nụ cười. Một nụ cười làm ông gần những người khác. Nó mang sự thật về Thiên Chúa vào cuộc sống của chúng ta. (Góp nhặt)
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con sự bình an của Chúa là kết quả của việc dám sống theo những đòi hỏi của tin mừng. Xin ban cho chúng con sự bình an của một tâm hồn luôn hướng về sự thiện, luôn ước ao sự lành, luôn sống thanh sạch và lòng ngay.

Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

Yêu mến và tuân giữ

Thứ Hai Tuần V Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 14,21-26

"Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy." (Ga 14,23).

Trong cuốn sánh “the living stone” có một câu chuyện như sau: Jonathan làm được những việc phi thường, phần lớn vì hấp thụ được từ vị thần khả kính. Ngày vị thần sắp lìa trần, ông gọi Jonathan về để gặp lần cuối. Jonathan hy vọng thầy sẽ truyền cho bí quyết đặt biệt mà suốt đời thầy còn cất giữ. Nhưng lời trăn trối của ông chỉ vỏn vẹn có mấy chữ “Hãy hành động vì lòng yêu mến”.
Chúa Giêsu trước khi giã biệt các môn đệ cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Chúa Giêsu không đòi hỏi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính… Tuy nhiên một tình yêu đúng nghĩa là luôn luôn tìm cách làm đẹp lòng người mình yêu, sẵn sàng cho đi tất cả vì người mình yêu, chứ không dừng lại ở những rung động ở thân xác phần nào nói lên tính vị kỷ của mình. (Mỗi ngày một niềm vui).
Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Chúa đã thương ngự đến tâm hồn con. Chúa ở trong con để con được ở trong tình yêu của Chúa. Xin cho con được nên một với Chúa không chỉ khi rước Chúa, mà còn nên một trong hành động khi biết vâng theo thánh ý Chúa.

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Thầy là đường

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH - Năm A
Lời Chúa: 
 Ga 14,1-12

"Chúa Giê-su đáp: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy." (Ga 14,6).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến để con được sống và sống dồi dào. Xin dạy con luôn biết tôn trọng sự sống và giúp con thắng vượt tất cả những gì hủy hoại sự sống như sự thất vọng, buồn chán và vô cảm trước lời mời gọi nên thánh của Chúa.

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Cha ở trong Thầy

Thứ Bảy Tuần IV Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 14,7-14

“Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc.” (Ga 14,10).

Có một vị ẩn sỹ sống khiêm tốn và nghèo khó. Ngày kia, một Thiên thần đến nói với ngài: “Chúa sai tôi đến gặp ngài, ngài có thể xin bất cứ điều gì ngài muốn. Vậy, ngài có muốn được ơn chữa bệnh không?” Vị ẩn sỹ trả lời: “Không, thà để chính Chúa chữa trị thì tốt hơn”. Thiên thần lại đề nghị: “Hay ngài có muốn trở thành mẫu gương để người khác nhìn vào mà sống tốt đẹp hơn không?” Vị ẩn sỹ khiêm tốn nói: “Không, bởi thế tôi sẽ trở thành trung tâm của sự chú ý”.
Cuối cùng Thiên Thần nói: “Ít nhất ngài nên xin một điều gí đó vì Chúa muốn thế”.
“Vâng, tôi xin điều này: xin cho mọi việc thiện được thực hiện qua tôi mà tôi không hề hay biết”. Thế là lời ước của vị ẩn sỹ thành hiện thực, Thiên Chúa ban cho cái bóng của Ngài có được mọi quyền năng. Nơi nào có bóng Ngài đi qua người bệnh được chữa khỏi, niềm vui thay cho sầu khổ và đất đai trở thành phì nhiêu. Nhưng ẩn sỹ không hề hay biết điều đó, vì dân chúng chỉ chú ý đến cái bóng, đến độ quên hẳn Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, Chúng con thật hạnh phúc vì được nhận biết Chúa là Cha và luôn yêu thương chúng con. Dù chúng con bất toàn. Nhưng Chúa vẫn yêu thương và chăm sóc từng cuộc đời chúng con.

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Đến với Cha

Thứ Sáu Tuần IV Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 14,1-6.

"Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy." (Ga 14,6).

Một người nói chuyện với bạn là một Kitô hữu đã già: “Tôi sợ rằng anh gần đất xa trời rồi”. Người kia nhẹ nhàng đáp: “Tôi biết chứ, nhưng nhân danh Chúa tôi không sợ, mà tôi còn đặt hy vọng vào đó”. (Góp nhặt).
Lạy Chúa, chúng con vẫn ao ước được sống đời đời, xin cho chúng con biết sống kết hợp mật thiết với Chúa qua bí tích Thánh Thể để ngày mai chúng con cũng được tham dự sự sống phục sinh vinh hiển với Chúa. 

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Đón Chúa

Thứ Năm Tuần IV Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 13,16-20

"Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy." (Ga 13,20).

Vào buổi sáng nọ, người thợ giầy thức giấc rất sớm. Anh quyết định chuẩn bị căn xưởng nhỏ của anh cho tươm tất rồi vào phòng khách chờ đợi cho bằng được người khách quý. Người khách đó không ai khác hơn là chính Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ Ngài đã hiện ra và báo cho anh biết Ngài sẽ đến thăm anh trong ngày hôm sau.
Người thợ giầy ngồi chờ đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng sớm vừa rọi qua khung cửa, anh đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng  anh hồi hộp sung sướng. Hẳn là Chúa đến. Anh ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đang đứng trước mặt anh không phải là Chúa, mà là người phát thư. Sáng hôm đó là một ngày cuối đông. Cái lạnh đã khiến mặt mũi tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để nhân viên bưu điện run lẩy bẩy ngoài cửa. Anh mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.
Người thợ giầy lại vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn qua cửa sổ, anh thấy một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Anh gọi nó lại hỏi cớ sự. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người  thợ giầy lấy bút viết vài chữ để lại trên bàn, báo cho người khách quý biết mình đã đi ra ngoài. Nhưng tìm đường dẫn đứa bé về nhà đâu phải là chuyện đơn giản và nhanh chóng. Mãi chiều tối anh mới tìm ra nhà đứa bé và khi anh về lại nhà thì phố xá đã lên đèn.
Vừa bước vào nhà, anh đã thấy có người đang đợi anh. Nhưng đó không phải Chúa mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy. Bà cho biết đứa con của bà đang ốm nặng và bà đã không thể chợp mắt suốt đêm qua. Nghe thế, người thợ giầy lại hối hả đến săn sóc đứa bé. Nửa đêm anh mới về nhà, anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ.
Thế là một ngày đã qua mà Chúa chưa đến thăm anh. Nhưng đột nhiên trong giấc ngủ, người thợ giầy nghe tiếng Chúa nói với anh: "Cám ơn con đã dọn trà nóng cho Ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc an ủi Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta ngày hôm nay." (Trích "Món quà giáng sinh")
Lạy Chúa, xin giúp con hiểu rằng, mỗi người con gặp là một sứ giả của Chúa, Người mang đến cho con bài học về lẽ yêu thương. Xin cho con luôn biết yêu thương đón tiếp họ, để cả hai chúng con được sống trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài.

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Ánh sáng

Thứ Tư Tuần IV Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 12,44-50

"Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm." (Ga 12,46)
Một hôm, vị đạo sĩ hỏi đệ tử: làm sao có thể biết được là ngày đã đến và đêm sắp kết thúc. Mỗi đệ tử trả lời một cánh khách nhau nhưng không câu nào làm ông hài lòng. Sau cùng ông nói: “khi chúng ta nhìn vào người bên cạnh, nếu chúng ta có thể nhìn người đó như người anh em của chúng ta, thì lúc đó là ngày cho chúng ta, nhưng bao lâu chúng ta chưa đạt được điều này thì chúng ta sống trong đêm tối”. (Góp nhặt).
Chúng ta phải sống như con cái sự sáng, không phải vì ích lợi cho chúng ta, mà còn để cho đời này bớt tối tăm. Thánh Phalô khuyên: “Anh em hãy chiếu sáng như những vòm sao trên bầu trời thế gian”.
Lạy Chúa, xin cho con biết bước đi trong ánh sáng Lời Chúa, biết ăn ở ngay lành theo tiếng nói của lương tâm. Xin cho con luôn biết sống đẹp lòng Chúa qua việc lắng nghe và thực thi lời Chúa.

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Theo Chúa

Thứ Ba Tuần IV Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 10,22-30

"Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi." (Ga 10,27).

Có một câu chuyện truyền kỳ rất hay kể lúc Môisen trốn khỏi Ai cập, chăn chiên cho Giêtrô trong đồng vắng: có một con chiên trong bầy bỏ đàn đi mất Môisen kiên nhẫn đi tìm nó và ông đã tìm thấy nó đang uống nước bên giòng suối. Môisen đến bên nó để tay trên mình nó và nói thật nhỏ nhẹ:
- Tại vì mày khát nên mày bỏ đi? Ông không giận con chiên vì nó đã làm ông mệt mỏi, nhưng cảm thông với nó và mang nó trở về. Thượng Đế nhìn thấy như vậy, Ngài phán: “Nếu người này thương xót một con chiên đi lạc như vậy, đây chính là người ta muốn lập làm người lãnh đạo dân ta”.
 “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”. Phụng vụ đang dạy chúng ta sống dưới sự dẫn dắt của Chúa Giêsu Mục tử tốt lành. Muốn thế, ta phải “nghe tiếng” Ngài và “đi theo” Ngài. Chiên không nghe theo tiếng người lạ.
Một người Mỹ đi du lịch qua xứ Syria, đã thấy ba người chăn chiên dẫn bầy mình ăn chung với nhau. Một lúc sau, một trong ba người chăn này kêu chiên mình:
-Men ah! Men ah! (Theo tiếng Ả rập có nghĩa là "Hãy theo ta! Hãy theo ta!")
Các con chiên của người này liền tách khỏi bầy và đitheo người ấy lên đồi.
Người chăn thứ hai cũng kêu như vậy, và chiên của anh ta liền đi theo anh ta.
Người Mỹ nói với người chăn thứ ba:
- Xin anh vui lòng cho tôi mang đồ đạc của anh để tôi kêu như anh kêu, xem các con chiên này có theo tôi hay không.
Anh ta sẵn sàng cho người Mỹ này mược đồ đạc. Xong xuôi, người Mỹ kêu :"Men ah! Men ah!", nhưng chẳng có con chiên nào nhúc nhích. Lạ quá Người Mỹ ngạc nhiên hỏi:
- Thế chiên không nghe tiếng ai khác, ngoại trừ anh thôi sao?
Người chăn Syria trả lời:
- Ồ! Có chứ! Vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai.
Người ta tìm thấy trong một cuốn nhật ký những tâm tình sau đây:
Suốt đời tôi, tôi rất sợ chết, cho đến ngày một đứa con tôi về với Chúa. Trong lễ nghi an táng cháu, Cha sở kể câu chuyện sau: “Một Mục tử dẫn bầy chiên đến bờ sông. Nhìn dòng nước chảy xiết, tự nhiên bầy cừu sợ hãi. Người mục tử không làm sao hối thúc chúng qua được. Cuối cùng ông lựa ra một con cừu non, cùng đi với nó xuống dòng nước và dắt nó qua bên bờ bên kia. Khi cừu mẹ thấy con mình ra đi, nó quên cả sợ hãi và phóng theo. Và thế là cả bầy cừu nối đuôi nhau theo sự hướng dẫn của người Mục tử.
Một mai nếu có phải theo con tôi về với Chúa, tôi chẳng sợ (Góp nhặt).
Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho niềm khao khát sống với Chúa nơi chúng con được sống lại, để chúng con luôn được thuộc trọn về Chúa. Xin cho con biết ra đi tìm kiếm Chúa, biết đặt Chúa là trung tâm điểm của đời sống chúng con, biết tìm kiếm của ăn không bao giờ hư nát là chính Chúa và giáo lý của Chúa để chúng con được no đầy ân tình của Chúa hôm nay và hạnh phúc nước trời mai sau. 

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Cửa chuồng chiên

Thứ Hai Tuần IV Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 10,1-10

"Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân." (Ga 10,9).

Từ lâu, tôi cứ vẫn ấm ức không hiểu tại sao khi minh họa chân dung mình trong dụ ngôn Mục tử tốt lành, Chúa Giêsu lúc thì ví minh như Mục tử, lúc thì ví mình như cửa chuồng chiên. Gần đây, một cuốn sách đã giải toả cho tôi thắc mắc đó. Sách viết: một du khách đến Palestin, gặp được một Mục tử đang làm việc tại một trại cừu. Người đó chỉ cho du khách thấy cảnh vật biến ảo của cánh rừng. Thấy thế, du khách hỏi: “Đó là trại cừu, kia là mấy bầy cừu, đây là lối vào. Vậy còn cửa đâu?” Người Mục tử hỏi lại: “Cửa hả? Chính tôi là cửa. Ban đêm tôi nằm giữa lối đi này. Không một con cừu nào bước ra hay một con sói nào bước vào mà không phải qua xác tôi”. Thế đó, Đức Giêsu đâu có lẫn lộn khi trình bày chân dung mình: Ngài vừa là Mục tử vừa là cửa vào (Góp nhặt).
Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con, và xin cho con biết đón nhận thánh ý Người. (Epphata)
Lạy Chúa, đồng cỏ xanh ngát mà Chúa cho chúng con hưởng dùng chính là Mình Máu Thánh Chúa. Chính Chúa đã dẫn đưa chúng con đến giòng suối ân tình là các bí tích nhiệm màu. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin cho chúng con luôn được no thoả ân tình của Chúa.

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Đi qua cửa

Chúa Nhật IV Phục Sinh - Năm A
Lời Chúa: 
 Ga 10,1-10

"Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào." (Ga 10,10).

Tâm sự của người đồng hành bị quên lãngSáng nay khi bạn 1. vừa thức dậy, tôi nhìn bạn và chờ đợi bạn nói với tôi đôi lời: để cám ơn về những điều tốt lành bạn đã gặp được ngày hôm qua, hoặc để hỏi xem tôi có ý kiến gì với bạn cho ngày hôm nay… Đôi lời ngắn ngủi thôi. – Nhưng bạn mãi lo tìm chọn quần áo giày dép… Nên tôi phải chờ.
2. Bạn đã mặc quần áo xong, bạn còn 15 phút rãnh rỗi. Tôi hy vọng bạn sẽ lên tiếng chào tôi. – Nhưng không, bạn ngồi xuống ghế sofa, im lặng, thanh thản. Tôi vẫn chờ.
3. Chợt bạn đứng lên – Tôi tưởng bạn sẽ đến với tôi nói đôi lời gì đó. Thế nhưng bạn đến máy điện thoại, quay số đến một người bạn thân, hai người đấu láo với nhau một hồi. Và tôi tiếp tục chờ.
4. Rồi đến giờ bạn ra xe. Bạn đến chỗ làm. Tôi chờ bạn suốt buổi sáng.
5. Đã đến giờ ăn trưa. Bạn ngồi vào bàn, rảo mắt nhìn quanh. Bạn thấy vài người ở những bàn bên cạnh cúi đầu thầm thì nói với tôi đôi lời trước khi ăn. Tôi tưởng bạn cũng sẽ làm thế. Nhưng không! Và tôi tiếp tục chờ.
6. Ăn xong, bạn còn một khoảng thời giờ thảnh thơi. Tôi thầm mong bạn sắp nói với tôi. Nhưng chẳng có một lời nào cả. Tôi vẫn chờ.
7. Buổi chiều, tan sở. Bạn lên xe về nhà. Chắc hẳn có biết bao điều bạn sẽ kể cho tôi nghe. Tôi chờ. Nhưng bạn chạy thẳng một mạch tới nhà. Về tới nhà, bạn lao ngay vào phòng tắm… Và tôi vẫn chờ.
8. Bạn đã cảm thấy mát mẻ và thoải mái. Nhưng bạn không thấy tôi đang chờ. Bạn chỉ nhìn thấy cái TV. Bạn mở máy, để mặc tôi tiếp tục chờ.
9. Rồi bạn lên giường, suy nghĩ mông lung trong khi chờ giấc ngủ đến. Bạn nhớ lại đủ thứ chuyện, đủ thứ người, chỉ trừ tôi. Có lẽ vì bạn không biết tôi vẫn luôn ở bên cạnh bạn. Bạn không thấy tôi, nhưng tôi vẫn luôn ở kề bên bạn, yêu thương bạn, rất muốn nói chuyện với bạn, để an ủi, để chia xẻ, để góp ý, để động viên… Bạn không biết, không để ý gì cả. Và bạn thiếp dần vào giấc ngủ. Tôi vẫn chờ.
10. Một ngày mới lại bắt đầu. Bạn thức dậy. Tôi hy vọng hôm nay bạn sẽ dành ra đôi phút để nói với tôi. Tôi vẫn chờ bạn đấy. Chúc bạn một ngày tốt đẹp.
Chuyện minh họa
a/ "Ta là cửa chuồng chiên"
Từ lâu, tôi vẫn cứ ấm ức không hiểu tại sao khi minh họa chân dung mình trong dụ ngôn Mục tử tốt lành, Chúa Giêsu lúc thì ví mình như Mục tử, lúc lại ví mình như cửa chuồng chiên. Gần đây, một cuốn sách đã giải tỏa cho tôi thắc mắc đó. Sách viết: một du khách đến Palestin, gặp được một mục tử đang làm việc tại một trại cừu. Người đó chỉ cho du khách thấy cảnh vật biến ảo của cánh rừng. Thấy thế, du khách hỏi: "Đó là trại cừu, kia là bấy cừu, đây là lối vào. Vậy còn cửa đâu?" Người mục tử hỏi lại: "Cửa hả? Chính tôi là cửa. Ban đêm tôi nằm giữa lối đi này. Không một con cừu nào bước ra hay một con sói nào bước vào mà không phải qua xác tôi." Thế đó, Chúa Giêsu đâu có lẫn lộn khi trình bày chân dung mình: Ngài vừa là mục tử vừa là cửa vào.
b/ "Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào"
Người Tây Ban Nha có câu chuyện sau đây:
Khi có người đến cửa thiên đàng, Thánh Phêrô đặt cho mỗi người một câu hỏi rất lạ: "Lúc còn ở trần thế, bạn đã biết nếm mùi những vui thú mà Chúa nhân lành ban cho bạn không?"
Nếu người đó đáp "Thưa không" thì Thánh nhân nói: "Bạn chưa biết nếm những vui thú nhỏ dưới thế thì làm sao có thể nếm những vui thú lớn lao trên thiên đàng được! Xin lỗi, Ta chưa cho bạn vào được."
 Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa là Cửa chuồng chiên và là Mục tử nhân lành, Chúa đến để cho con được sống và được sống dồi dào.Xin ban cho con những chủ chăn tốt lành, chỉ biết say mê Chúa và say mê con người, chỉ biết yêu thương phục vụ và chăm lo cho đàn chiên Chúa, để chia sẻ với Chúa nỗi bận tâm về một đàn chiên “được sống và sống dồi dào”. Xin Chúa ban nhiều ơn lành cho mẹ con, Người mẹ đã dành tất cả thời gian cho con cái, để yêu thương chăm sóc và lo lắng dạy bảo cho con nên người.