Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Nhận lãnh & cho đi

Ngày 11 tháng 6 - Thánh Ba-na-ba, tông đồ (Lễ nhớ)
Lời Chúa: 
 Mt 10,7-13

"Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không." (Mt 10,8).

Một hôm có một vị bá tước đến cho Thánh Gioan Thiên Chúa số tiền 25 đồng vàng để ngài giúp những người nghèo khổ. Ngay chiều hôm ấy, ông ta giả trang làm một người ăn xin đến xin thánh nhân bố thí. Thánh Gioan Thiên Chúa động lòng thương, lấy cả số tiền 25 đồng vàng đem cho người ấy kèm với những lời khích lệ an ủi. Ngày hôm sau, vị bá tước đích thân đến thú nhận tất cả với thánh nhân và xin lỗi vì đã thử lòng bác ái của Ngài. Khi từ giã, ông đưa tặng thêm 150 đồng vàng nữa ngoài số 25 đồng mà ông xin hoàn lại. Từ đó cứ mỗi tuần ông lại gởi tới bệnh viện của thánh nhân một số tiền lớn, một số thuốc men, lương thực và quần áo để thánh nhân giúp đỡ những người nghèo. (Góp nhặt).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết dùng lời nói và việc làm để  loan báo Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người.  Xin cho chúng con biết cho đi những gì chúng con đã nhận lãnh nhưng không từ tình thương của Chúa.

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Cho trần gian

Thứ Ba Tuần X Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mt 5,13-16

"Sự sáng của các con phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ ngợi khen Cha trên trời" (Mt 5,16).

Có những lời nói và việc làm rất vô tình nhưng gây ảnh hưởng rất lớn. Đức Cha Fulton Sheen kể lại hai câu chuyện như sau:
Tại Nam Tư, trong một lần giúp lễ, một cậu bé đã vô tình đánh rơi lọ nước. Vị Linh mục tức giận tát cậu bé và thét lên: “Cút đi và đừng bao giờ trở lại đây nữa”. Câu bé đó đã không bao giờ trở lại nhà thờ nữa, bởi vì sau này cậu đã trở thành nhà lãnh đạo nước Nam Tư xã hội chủ nghĩa. Cậu bé ấy tên là Titô.
Tôi còn nhớ tôi cũng là một cậu bé giúp lễ tại nhà thờ chính tòa, lúc đó tôi lên bảy tuổi. Trong một phiên giúp lễ tôi cũng đánh rơi lọ rượu. Tôi sợ tưởng đến chết được, vì mấy cậu bé giúp lễ chúng tôi cứ nghĩ Đức Cha là người rất nghiêm khắc. Thế nhưng sau Thánh lễ, Ngài gọi tôi lại và hỏi: “Lớn lên con sẽ vào học ở trường nào? Con có bao giờ nghe nói Louvain không?” Tôi đáp: “Thưa Đức Cha chưa”. Ngài nói: “Vậy thì con về nói với mẹ rằng khi lớn lên con sẽ vào học tại trường đại học Louvain”. Tôi không ngờ rằng hai năm sau khi chịu chức Linh mục, tôi đã ngồi trên chuyến xe lửa trực chỉ Louvain.
Cũng một biến cố, nhưng tôi đã đi về một hướng này, còn Titô đi về hướng ngược lại. (Trích “Chờ đợi Chúa”)
Lạy Chúa, xin cho con được trở thành muối cho đời qua công việc yêu thương và phục vụ hằng ngày. 
(

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Phúc thật

Thứ Hai Tuần X Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mt 5,1-12

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ." (Mt 5,3).

Bản hiến chương Nước trời. Nước trời là nước hạnh phúc. Muốn vào nước đó phải có 8 đức tính căn bản là:
 
1/ Tinh thần nghèo khó.
2/ Hiền lành.
3/ Sầu khổ.
4/ Khao khát điều công chính.
5/ xót thương người.
6/ tâm hồn trong sạch.
7/ xây dựng hòa bình.
8/ chịu bách hại vì đức công chính.
 Hạnh phúc là gì?
Xét cho cùng, hạnh phúc là được sống đúng bản chất của mình. Con chim ở trong lồng son không hạnh phúc, nó chỉ được hạnh phúc khi được bay nhảy thoải mái như chim. Con cá chỉ được hạnh phúc khi được bơi lội như cá. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy hạnh phúc của con người là được ở trong nước Thiên Chúa.
 Một hôm khi cầu nguyện, một Linh mục xin Chúa cho tra vấn một tên quỷ:
- Nhân danh Chúa, ta hỏi mi: Đâu là nơi hạnh phúc nhất?
- Dĩ nhiên là Thiên đàng. Ôi, được nhìn thấy Chúa là tất cả niềm hoan lạc. Nếu có lấy mọi vẻ đẹp của muôn vàn châu báu thế gian và mọi tinh tú trong vũ trụ, rồi đem so sánh với vẻ đẹp của Thiên Chúa, thì tất cả cũng chỉ là một con số không.
- Ngươi đã được hưởng tất cả những thứ đó, tại sao ngươi đánh mất hạnh phúc thiên đàng?
- Chỉ vì chúng tôi kiêu ngạo phản loạn. Khổ nỗi là bây giờ đã quá muộn để hối hận. Lúc này dù phải chịu tất cả những cực hình hỏa ngục gom lại cho riêng tôi, tôi cũng sẵn sàng đón nhận, miễn là sau đó tôi được hưởng thiên đàng trong giây lát. Nhưng đã quá muộn rồi!
Thì ra ngay cả quỷ dữ cũng khao khát hạnh phúc. (Chờ đợi Chúa)
"Phúc thay cho anh em vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa." (Mt 5,11)
Ngày 19-6-1988 cả Giáo Hội tại Việt Nam vui sướng vì 117 vị tử vì đạo đã được tuyên hiển thánh. Những nỗi đớn đau tủi nhục vì Chúa Kitô của các Ngài đã được chúc phúc.
Hôm nay, chúng ta cũng không thoát khỏi những khó khăn, đau đớn và tủi nhục trong cuộc chiến cam go loại bỏ tật xấu, dứt khoát với tội lỗi, hay những suy nghĩ tiêu cực nơi chính bản thân. Cuộc chiến ấy đòi hỏi chúng ta phải cam đảm.
Xin các thánh tử vì đạo tại Việt Nam thông truyền cho chúng con dòng máu bất khuất của các Ngài và giúp chúng con biết chiếu tỏa tôn nhan Thiên Chúa nơi chính con người và cuộc sống của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa để chúng con sống có ích cho tha nhân.

Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Quà tặng Thánh Thần

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống - Lễ chính ngày
Lời Chúa: 
 Ga 20,19-23

"Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Các con hãy nhận lấy Thánh Thần." (Ga 20,21-22).
Người thầy giáo da đen
Năm 1917, tại một xóm nghèo bang Mississipi Hoa Kỳ, một toán người da trắng quá khích đã bủa vây bắt trói một thanh niên da đen vì nghi ngờ anh đang diễn thuyết kêu gọi đồng bào anh nổi loạn chống lại họ. Anh ta tên là Lawrence. Anh bị lôi đến một gốc cây, tròng dây thòng lọng vào cổ, dưới chân xếp một đống củi to. Đám đông ra lệnh cho anh được nói những lời cuối cùng trước khi chết...
Lawrence thầm cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, rồi sau đó hiên ngang lên tiếng lặp lại tất cả những gì anh đã diễn thuyết trước đó cho người da đen. Anh bắt đầu bằng cách phác họa cảnh sống của hai dân tộc anh em da đen và da trắng trong sự tương trợ đoàn kết. Anh ngỏ ý sẽ tổ chức một ngôi trường để dạy cho đồng bào anh để họ xứng đáng sống bên cạnh người da trắng. Từ đó, hai bên sẽ dễ dàng hiểu biết và giúp đỡ nhau. Anh nêu tên một số người da trắng có uy tín trong vùng đã hứa tài trợ cho anh. Anh còn khéo léo nói vài câu duyên dáng làm cho đám đông bật cười. Cuối cùng, anh khẳng định: anh đấu tranh với sự dốt nát mù chữ và chống lại sự nghèo nàn lạc hậu, chứ không hề có ác ý với ai cả.
Anh vừa dứt lời, đám đông mới đây còn đòi giết anh, giờ đây lại hò reo hoan hô anh nhiệt liệt, ùa nhau đến tháo giây thòng lọng và công kênh anh lên. Lại có người đứng ra kêu gọi mọi người hãy giúp đỡ anh. Thế là người ta có bao nhiêu tiền đều móc ra, ném như mưa xuống dưới chân anh da đen nghèo xác xơ nhưng giàu thiện chí và hảo tâm...
Sinh ra ở miền Bắc Hoa Kỳ, Lawrence là con một bác thợ hớt tóc, được gia đình dành dụm nuôi ăn học đến hết bậc đại học. Ra đời, anh có thể tìm được việc ngay và có một đời sống sung túc nơi quê nhà, thế nhưng, cảnh cơ cực lam lũ của những đồng bào da đen đã thôi thúc anh bỏ tất cả để lưu lạc xuống miền Nam xin một chân thầy giáo làng cho người da đen. Chính ở đây, anh hiểu được nguyên nhân mọi khốn cùng người da đen phải gánh chịu là ở chỗ: đã dốt nát mù chữ mà lại còn mê tín dị đoan, và trắng tay, không biết một thứ nghề nào, từ đó họ lại càng bị người da trắng khinh bị đầy đọa. Ban ngày, Lawrence vất vả dạy học, tối đến, anh tự học thêm nghề trồng trọt, chuẩn bị cho ước mơ sẽ truyền nghề lại cho đồng bào.
Mùa xuân năm 1909, vừa tròn 24 tuổi, Lawrence khăn gói tìm tới khu xóm Braston có đông người da đen, dự định chọn nơi đây để mở trường. Anh đi tìm những người trại chủ da trắng để xin phép mở trường dạy nghề trồng trọt cho người da đen. Họ chả mấy tin tưởng vào lập luận của anh, nhưng họ cũng không có ý ngăn cản làm gì. Sau đó, anh lại đi vận động những người da đen chịu gom góp mỗi người một chút để có thể dựng trường. Họ vui mừng hy vọng lắm, nhưng vì nơi đây vừa mới bị mất mùa do nạn côn trùng tàn phá, họ lại quá nghèo nên chẳng góp được gì đáng kể. Nhưng Lawrence nhất quyết không chịu bó tay...
Một hôm, anh cầm theo cuốn Kinh Thánh, tìm ra ven rừng thanh vắng ngồi một mình dưới bóng một cây cổ thụ. Đang mải mê suy tư cầu nguyện, anh chợt bắt gặp một em bé da đen đang rụt rè nhìn anh từ xa. Anh gọi: "Nào em bé, lại đây chơi với anh đi!" Đứa bé tiến lại, nó thấy anh có cuốn sách đẹp thì mượn và cũng bắt chước cầm lên đọc chăm chú ra vẻ biết chữ. Lawrence phì cười khi thấy em cầm ngược đầu cuốn sách, anh vỗ vai em hỏi: "Chắc em thích đọc sách lắm phải không? Vậy thì ngày mai em hãy trở lại đây, anh sẽ bắt đầu dạy cho em biết dọc biết viết nhé!"
Hôm sau trở lại gốc cây, Lawrence đã thấy em bé có mặt cùng với hai đứa nữa. Thế là ngôi trường đã khai giảng ngay dưới tán cây ven rừng với 3 trò nhỏ đầu tiên, hiệu trưởng kiêm thầy giáo duy nhất chính là Lawrence, và giáo án là cuốn Kinh Thánh! Anh chọn bài giảng và tập đọc đầu tiên là một đoạn Lời Chúa nói về tình yêu thương. Được một lúc, anh nhìn quanh đã thấy một số người lớn da đen lấp ló ở các bụi cây gần đó, mải mê theo dõi như uống lấy từng lời giảng dạy giáo lý của anh. Thế là anh mời tất cả cùng ngồi vào để tập đọc đoạn văn được viết nắn nót trên tấm ván cũ. Sĩ số lớp học giờ đây gồm 5 trẻ em và 7 người lớn.
Ngày lại ngày, tiếng đồn lan ra, Lawrence thu nhận được hơn 50 học sinh. Mùa đông về, lớp học dời vào một căn nhà cũ nát bỏ hoang. Người trại chủ tốt bụng biết chuyện, tặng luôn cho anh căn nhà cùng với 16 mẫu đất bỏ hoang chung quanh và số tiền 50 đô-la. Các học sinh lớn xúm lại sửa chữa vách và mái nhà, làm lò sưởi và quét vôi. Anh lại tìm đến một trại chủ khác xin được một số lớn gỗ ván và mua chịu các vật dụng cần thiết cho ngôi trường.
Năm 1917, thoát được vụ hành quyết oan uổng như đã kể từ đầu, anh tạ ơn Chúa rồi lại quyết định mở một cuộc họp, mời tất cả những người da đen cùng các ân nhân người da trắng trong vùng đến nghe anh nói chuyện về dự kiến tương lai. Anh cho biết đây sẽ là ngôi trường nội trú cho các học sinh ở rải rác khá xa. Các em sẽ vừa học vừa làm để tự nuôi sống bằng việc canh tác khu đất quanh đây. Anh cũng xin mọi người có mặt đóng góp thêm để xây dựng một dãy lớp học mới vì sĩ số học sinh đã quá cao.
Vừa dứt lời, các ân nhân đã trao ngay cho anh một số tiền khá lớn, còn đồng bào da đen thì góp chung từng đồng xu lẻ dành dụm chắt bóp. Có người còn hứa tặng một phần hoa lợi vụ mùa sắp tới, người khác về nhà mang tới một bao bông vải hoặc nửa con lợn, một cặp ngỗng... và hầu hết đều hứa sẽ giúp công góp sức. Thế là hôm sau, cả đoàn những người đàn ông trai tráng kéo đến đốn cây, xẻ ván, dậm nền, dựng cột, xây vách. Phía các bà các cô thì buổi trưa mang cơm nước đến cho cánh thợ.
Qua năm 1910 thì ngôi trường hoàn tất, mang tên là "Ngôi Trường Thôn Quê", cùng với số cả trăm học sinh tại chỗ còn có thêm 18 em từ xa về nội trú. Tất cả được học chữ, nấu bếp, cắt may và nghề mộc. Buổi tối, lớp xóa mù chữ có gần 100 em nhỏ. Mọi học sinh đều mang tới góp, người thì bao bột mì, người thì chú heo con để sử dụng chung thay vì đóng học phí và tiền ăn. Lawrence cũng mời được một số thầy cô giáo thiện chí đến giúp. Anh thường nhắc họ luôn cầu nguyện trong niềm chắc tin rằng mọi sự đều do Chúa ban và lo liệu, nhưng phần mình vẫn phải nỗ lực làm việc để cộng tác với Người...
Năm 1912, Lawrence cưới vợ, cả hai vừa gắng công dạy học, lại vừa đi khắp nơi xin các mạnh thường quân hỗ trợ để trả lương giáo viên và nuôi sống các học trò nghèo. Anh chị hễ cứ gặp những trẻ bơ vơ lang thang là lại dắt về nuôi ăn và cho học hành tử tế. Đặc biệt có một em 14 tuổi sống như thú hoang trong rừng, đã được Lawrence tìm thấy đem về trường. 8 năm sau, cậu thi đỗ tốt nghiệp trung cấp hướng nghiệp, và trong ngày nhận bằng, cử tọa đã say mê nghe cậu thuyết trình về điện và các loại động cơ. Lại còn gia đình anh Collins cùng bầy con 12 đứa nheo nhóc được nhận vào trường, 12 năm sau, ông bố Collins cũng cùng lên nhận bằng với vợ con.
Tính đến năm 1953, trường đã đào tạo được 1.700 học sinh đậu tú tài và 325 người tốt nghiệp đại học. Không ít những học viên giờ đây là trại chủ, dược sư, giáo sư, nhạc sĩ, ca sĩ, sĩ quan, linh mục và mục sư. Có người học tiếp để lấy bằng tiến sĩ ở đại học Chicago. Năm 1960, trường có sĩ số 500 em với 40 thầy dạy, 650 mẫu đất sở hữu cùng với những dãy lớp khang trang, những vườn cây ăn trái và hoa màu, cả những xí nghiệp chế tạo bơ, sữa tươi và những cơ xưởng hướng nghiệp được trang bị tối tân.
Nhà cầm quyền bang Mississipi cuối cùng cũng đã nhìn ra công lao hy sinh tận tụy và lòng yêu thương vô hạn đối với đồng bào da đen khốn khổ của ông Lawrence. Họ chính thức trao tặng ông tước hiệu "Công Dân Số Một của Bang Mississipi". Sau khi ông qua đời, mới đây không lâu, người ta đã dựng tượng để ghi nhớ một tấm lòng vị tha cao quý. Tượng đài ghi hàng chữ: "Ông John Lawrence, một người con ngoan của Chúa, một thầy giáo tận tụy và một người bạn thân thương nhất của mọi người..." (Vietcatholic trích từ Tạp chí Tin Vui, 1974)
5. Lễ Hiện xuống mới
Lần đầu tiên thành viên của 56 phong trào đoàn sủng và cộng đoàn mới của Giáo Hội tập họp lại theo lời mời của vị Đại Diện Chúa Kitô. Đức Gioan Phaolô II muốn cuộc tập họp khổng lồ này chứng tỏ để mọi người thấy Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hiện xuống và đang canh tân bộ mặt trái đất.
Hôm ấy là thứ bảy 30 tháng 5, 1998, ngày áp lễ Hiện Xuống, có tới nửa triệu người đến từ khắp nơi trên thế giới. Riêng Âu Châu chừng 2,000 xe buýt chở khách tới Roma. Hàng triệu người coi truyền hình theo dõi biến cố này, qua 20 hệ thống truyền thông. Chưa bao giờ công trường Đền Thờ thánh Phêrô lại chật ních người tới mức đó, kể từ Năm Thánh 1950 đến nay.
Nhưng có phải chính Chúa Thánh Thần đã khơi dậy những phong trào đoàn sủng và những cộng đoàn mới này của Giáo Hội?
6. Quyền Năng Tha Tội
Trong một lần giáo huấn, Chúa Giêsu đã quả quyết với các Tông đồ: "Sự gì các con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc. Sự gì các con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở" (Mt 18,18). Và hôm nay, sau ngày phục sinh, trong một lần hiện ra với họ, Chúa Giêsu đã phán: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại". (Gn 19, 22-23). Khi nói lên lời đó, Ngài chính thức thiết lập Bí tích Giải tội, ủy thác cho Hội thánh quyền năng tha thứ và cầm buộc. Quyền năng nầy không chỉ được trao ban cho các Tông đồ nhưng còn thông chuyển đến các đấng kế vị là các Giám mục và những linh mục hiệp thông với các ngài.
Qua lời tuyên bố thiết lập Bí tích Giao hòa Chúa Giêsu muốn nói với các vị thừa tác viên đầu tiên và những người kế nghiệp rằng: một khi dưới đất họ đọc lên lời tha tội "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" thì lập tức trên trời Ngài sẽ chuẩn y, và dù tội con người có thẫm như máu đào cũng sẽ được biến đổi tinh trắng như bông.
Trong Tông thư Reconciliation and Penance, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: "Khơi dậy lòng sám hối và thay đổi tâm hồn nhân thế cùng trao ban cho con người tặng phẩm giao hòa chính là sứ mạng đặc thù của Hội thánh khi tiếp nối công trình cứu rỗi của Đấng Sáng Lập".
Có người đặt vấn đề: Tại sao lại phải đi xưng tội với một linh mục? Tới thẳng với Chúa không được sao?
Lẽ dĩ nhiên Chúa Giêsu có trăm muôn ngàn cách tha thứ tội lỗi con người, nhưng phương cách Ngài "làm người" để cứu thế và "chọn con người" để thi hành quyền năng tha tội là một ý định tỏ tường. Tuy nhiên, bên cạnh ý định của Thiên Chúa cũng có đó một số lý do khiến cho việc xưng tội với một linh mục trở nên cần thiết.
Catholicism and Life có chỉ ra những lý do như sau:
Thứ nhất, vì "có những tội được tha và có những tội bị cầm" nên hối nhân phải xưng tội mình ra thì linh mục mới có thể xác định được tội nào được tha và tội nào bị cầm.
Thứ hai, việc xưng tội với một linh mục sẽ giúp cho con người trở nên khiêm tốn. Người ta dễ chừa tội hơn khi biết rằng nếu mình phạm, mình sẽ phải xưng.
Thứ ba, chắc chắn hối nhân sẽ đón nhận được ơn thánh hóa từ bí tích Hòa giải. Nhưng trước đó, họ sẽ nhận được những lời khuyên hữu ích từ vị linh mục, giúp họ thăng tiến hơn trên đường thiêng liêng.
Thêm vào đó, có không ít khuynh hướng nhiệm nhặt hay buông thả khiến cho có người quá khắt khe, thấy điều chi cũng tội, hay có người qua lỏng lẻo đến nỗi bao tội tày trời cũng cho là chẳng có gì ghê gớm. Thậm chí có khi còn biện minh để lương tâm thấy tội nhẹ đi hay không còn tội lỗi gì nữa. Vì vậy, nếu không có sự trợ giúp của vị linh mục làm sao người ta có thể quân bình với chính mình và chân thành với Thiên Chúa được.
Cuối cùng, khi ban ơn tha tội, vị linh mục thay mặt Chúa sẽ bảo đảm ơn tha thứ cho hối nhân. Đối với người đi "xưng thẳng" với Chúa, ai sẽ đoan quyết cho điều đó? Chắc chắn không ai hết.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh cáo những người cho mình không cần Bí tích Giải tội như sau: "Thật là điên rồ và kiêu căng đối với những ai tự ý coi thường phương thế trao ban ơn sủng và cứu thoát mà chính Chúa Giêsu thiết lập, nhất là đối với những kẻ cho rằng không cần đến Bí tích Giải tội để được tha tội".
Có nhiều người vì ý thức lệch lạc nên coi thường xưng tội, nhưng cũng có không ít người vì đánh mất cảm thức về tội nên không còn thấy cần đi xưng tội nữa. Thậm chí có người xấu hổ ngại ngùng khi phải thú nhận tội mình với kẻ khác. G.K. Chesterton, một nhà văn trở lại Công giáo đã viết: "Không việc gì phải xấu hổ về những dại dột của mình... Đã là con người không ai không có lỗi lầm, nhưng lỗi lầm kinh khủng nhất của con người là cho mình không có lỗi". Thánh Gioan Tông đồ viết thẳng thừng hơn: "Nếu ta nói: ta không có tội là ta tự lừa dối mình, và sự thật không có trong ta" (1 Gn 1,8). Trái lại, "Nếu ta xưng thú tội lỗi mình thì Người trung tín và công chính đủ để tha thứ tội lỗi cho ta, và tẩy ta khỏi mọi bất chính" (1 Gn 1,9).
Một điều luôn gắn liền với Bí tích Giải tội là "ấn tòa" mà tất cả mọi linh mục phải tuân giữ. Không một điều gì nghe trong toà mà cha giải tội lại được phép nói ra cho người thứ ba, dù tính mạng của mình bị đe dọa hay an ninh quốc gia được bảo toàn.
Lịch sử Giáo hội ghi nhận biết bao hình ảnh hào hùng của những con người dám lấy máu đào bảo vệ đức tin, trong đó cũng có hình ảnh của những linh mục dám lấy mạng sống bảo vệ "ấn tòa giải tội".
Cha Gioan Nepomucene là mẫu gương tiêu biểu trong thế kỷ 14. Ngài là cha giải tội của Hoàng hậu Jane, nước Bohemia. Vua Wenceslaus là người đa nghi và ghen tuông. Vì muốn biết Hoàng hậu đã làm điều chi thầm lén nên vua yêu cầu cha Gioan thuật lại những gì nàng xưng ra với Ngài.
Tưởng rằng quyền lực và uy thế của mình có thể khui được ít nhiều bí mật nơi miệng cha Gioan, nhưng vua đã lầm. Vị linh mục của Chúa nhất quyết không hé lộ bất cứ điều gì. Kết quả, ngài bị nhốt vào hầm tối, và một đêm kia, bị nhận nước cho đến chết.
Ba trăm năm sau, khi khai quật lăng mộ cha Gioan, những người hữu trách ngỡ ngàng chứng kiến thân thể ngài mục hoàn toàn, ngoại trừ chiếc lưỡi vẫn nguyên vẹn như lúc còn sống. Ngày nay, trên chỗ ngài bị giết người ta dựng lên một tượng đài, phía dưới chân có khắc dòng chữ: "Nơi đây vị chứng nhân của Ấn toà Giải tội đã nằm xuống".
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao ban cho các Tông đồ món quà vô giá là Chúa Thánh Thần và quyền năng tha tội. Sứ mạng của các ngài và những người kế vị sẽ là việc làm nảy sinh hoa trái cho toàn nhân loại. Biết khiêm tốn mở lòng đón nhận ơn tha thứ, con người sẽ tìm thấy bình an và sự sống đích thực, dù thần chết có đang hăm he rình chờ. Biết tìm đến cùng tòa cáo giải, tâm hồn sẽ được chữa lành và ngập tràn hân hoan. (Lm Bùi Quang Tuấn, CSsR, Trích từ Vietcatholic)
7. Khai sinh giáo hội truyền giáo
Giải Nobel Hòa bình năm 2000 đã được trao cho Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung, một con người đã từ 30 năm nay đấu tranh không mệt mỏi cho công bằng, dân chủ và hòa hợp.
Tổng thống Kim là một người Công giáo, được Đức cố Tổng Giám Mục Seoul rửa tội vào năm 1956. Trong một đất nước chỉ có 10% dân số là Công giáo thì sự kiện này cũng đang nhắc nhớ về sự dấn thân của Giáo hội Công giáo tại lục địa Á Châu này.
Phần thưởng này đã được các vị lãnh đạo và chức sắc tôn giáo ở Hàn Quốc hân hoan chúc mừng. Một vị Hòa thượng lãnh đạo một Tông phái Phật giáo lớn nhất ở Hàn Quốc nhận định như sau: "Tổng thống Kim Dae-Jung sẽ được ghi nhớ như một vị lãnh đạo nổi bật của thế giới".
Lễ Hiện Xuống là lễ khai sinh một Giáo hội truyền giáo. Và nỗ lực đấu tranh cho công bằng, dân chủ và hòa bình với danh nghĩa là người Công giáo như Tổng thống Kim Dae-Jung chính là một công cuộc truyền giáo.
"Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em". Rồi Người thổi hơi vào các ông và bảo. "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần" (Ga 20,21-22). Các Tông đồ đã nhận lãnh Thánh Thần để ra đi truyền giáo. Chính Thánh Thần đã làm cho các ngài hoàn toàn đổi mới.
Từ chỗ không hiểu gì cả, thì nay các ngài đã hiểu rõ tất cả.
Từ sự nhát đảm, run sợ, cửa đóng then cài, thì nay các ngài mạnh dạn can đảm mở toang cửa ra.
Từ những dân chài ít học, thì nay các ngài nói được nhiều thứ tiếng khác nhau.
Bằng chứng là Phêrô, trước đây run sợ trước câu hỏi của một cô đầy tớ, thế mà nay dám đứng lên rao giảng giữa những người đã giết chết Thầy mình, khiến cho 3000 người gia nhập Giáo hội với chỉ một bài giảng duy nhất.
Không những các ngài can đảm rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh, mà còn dám hy sinh cả tính mạng vì danh thánh ấy. Tất cả các ngài đều đã chịu tử vì đạo. Và sau Phêrô, 39 vị Giáo hoàng tiên khởi đều anh dũng chết vì đạo thánh.
Người ta tưởng các ngài say rượu, nhưng thật sự thật các ngài đang say Chúa.
Người ta nghĩ các ngài điên dại, nhưng quả thật thì các ngài đang đầy tràn Thánh Thần.
Lễ Hiện Xuống không chỉ là ngày khai sinh Giáo hội, mà Lễ Hiện Xuống vẫn còn tiếp diễn, nghĩa là Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động trong Giáo hội.
Người ta gọi Công đồng Vatican II là một Lễ Hiện Xuống mới, một luồng gió mới đã thổi vào Giáo hội để canh tân cho thích hợp với tốc độ chóng mặt của thế giới ngày nay.
Công đồng đã long trọng khẳng định: "Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo" (TG 2). Đức Gian Phaolô II nhận định: "Đã đến lúc phải dốc toàn lực trong giáo hội vào một cuộc loan báo Phúc Âm mới và vào sứ vụ đến với muôn dân. Không một ai trong những người tin vào Đức Ki tô, không một tổ chức nào trong Giáo hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là toan báo đức Kitô cho mọi dân tộc" (Sứ vụ Đấng cứu rỗi, 3).
Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ sau khi tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ bảy liên Hội đồng Giám mục Á châu đã có cảm nhận rất sâu sắc này: "Giáo hội tại châu Á phải là một Giáo hội truyền giáo". Ngài giải thích: "Vì Chúa Giêsu là người châu Á, Giáo hội Thiên Chúa đã được phát sinh tại châu Á, và ý định của Thiên Chúa là cứu rỗi hết mọi người, thế mà hôm nay lại rất ít người châu Á biết Chúa và tin theo Chúa" (CGDT số 1250). Quả thật, tại châu Á, đông dân nhất năm châu mà chỉ có 3% dân số tin theo Chúa. Đó là nỗi ray rứt của mỗi người chúng ta, mà cũng là thách thức từng ngày của mỗi tín hữu Kitô.
Lạy Chúa, xin hãy thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, văn minh và an bình cho tha nhân, nhất là khát vọng muốn giới thiệu Chúa Giêsu cho thế giới; nhưng trước hết, là cho những người bên cạnh chúng con bằng đời sống phục vụ và yêu thương. 

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Đấng đem lại sự sống

Chúa Thánh Thần hiện xuống - (Lễ vọng, chiều thứ Bảy)
Lời Chúa: 
 Ga 7,37-39

"Người nói điều ấy về Chúa Thánh Thần mà các kẻ tin nơi Người sẽ lãnh lấy." (Ga 7,39).

Đón nhận Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Thiên Chúa, con người sẽ nhận được sự sống cho chính mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin chúc lành và ban tràn đầy Thánh Thần xuống lòng con, để trong cuộc sống con luôn tràn đầy tình yêu và sức sống của Thiên Chúa.

Cảm nghiệm

Thứ Bảy Tuần VII Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 21,20-25

"Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật." (Ga 21,24).

“Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó”. Nghĩa là vì Chúa muốn hình mẫu của Gioan còn tồn tại mãi trong Giáo Hội như một cách làm chứng, cho nên Gioan đã làm chứng bằng cách viết lại những cảm nghiệm, những suy gẫm của mình về Chúa Giêsu. Và Gioan còn cho biết “tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra”. Có lẽ không phải cả thế giới không đủ chỗ chứa những sách mà Gioan nếu muốn sẽ viết ra. Không đủ chỗ chứa là đối với những cảm nghiệm và những suy gẫm sâu sắc của Gioan về mầu nhiệm Chúa Giêsu và về những điều Chúa Giêsu dạy.
Lạy Chúa, Xin giúp chúng con biết tựa sát cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa để Chúa luôn là thuẫn đỡ, là thành luỹ che chở chúng con trước những nguy nan, sóng gió của cuộc đời.

Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

Yêu mến Thầy

Thứ Sáu Tuần VII Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 21,15-19

"Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy" (Ga 21,17).

Alexander đại đế, khi còn nhỏ là một cậu bé thông minh. Một hôm cha cậu mua phải một con ngựa khó tính, không ai dạy nổi. Thế mà Alerxander thuần phục con ngựa ấy một cách dễ dàng. Có người hỏi cậu bí quyết khắc phục con ngựa ấy, cậu trả lời: “Chẳng có gì lạ. Tôi xét kĩ thấy con ngựa này rất sợ cái bóng của nó. Vì thế chỉ cần quay nó hướng về mặt trời để nó không còn thấy cái bóng của nó nữa”.
Ông Phêrô rất sợ cái bóng của mình, nhưng khi ông hướng về Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, sợ hãi như tan biến đi, nhường chỗ cho tín thác xâm chiếm cả tâm hồn ông.
Socrate gặp chàng trai trẻ Xenophon lầu đầu. Thoạt tiên, ông hỏi chàng có biết ở đâu bán cái này, cái nọ, và ở đâu người ta chế ra cái vật này, vật kia. Xenophon chỉ cho Socrate những thông tin cần thiết. Rồi Socrate hỏi:
- Anh có biết người ta chế tạo điều lành và nhân đức ở đâu không?
- Không!
- Vậy anh hãy theo ta.
Đó cũng là câu của Chúa Giêsu: “Con hãy theo Thầy”. (Góp nhặt)
Lạy Chúa, xin cũng dạy chúng con biết yêu Chúa và yêu mọi người như Chúa yêu thương chúng con. 

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Nên một trong Chúa

Thứ Năm Tuần VII Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 17,20-26

"Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một." (Ga 17,23).

 Nhạc trưởng Michael Costa đang diễn tập với dàn hợp xướng gồm cả trăm nhạc cụ và nhạc công. Bỗng có tiếng sáo ré lên. Chắc người thổi sáo sợ rằng nhạc trưởng không nghe thấy tiếng sáo của mình. Nhạc trưởng cáu kỉnh quát: “Tiếng sáo nào kì vậy?” Và phải tập lại từ đầu.

Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con luôn hợp nhất để cùng nhau sống Lời Chúa và làm chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa thế gian. 

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Gìn giữ

Thứ Tư Tuần VII Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 17,11b-19

"Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ." (Ga 17,15).
Có một anh nọ. Vì không thể từ chối, anh đành phải đi đến một nhà hàng không được “trong ánh sáng” cho lắm. Mỗi người vào bàn, và một người đều có một cô “phục vụ” bên cạnh. Thoạt đầu, anh muốn tránh né, vì nghĩ rằng thái độ có thể làm cô ấy tủi, nên anh cố gắng làm một điều gì đó tốt hơn. Sau khi hỏi thăm về gia cảnh của cô, anh mới hỏi: “Tại sao cô phải làm nghề này?” Cô gái thinh lặng một lát rồi bật khóc. Mọi người nhìn anh khiến anh lúng túng… Trước khi anh ra về, cô nói nhỏ: “Có lẽ em sẽ không tiếp tục sống bằng nghề này được”.
Lắm khi tôi xa lánh người xấu, trong khi Chúa Giêsu đã không xin Chúa Cha cất tôi khỏi thế gian. Lắm khi tôi lại mải mê tìm kiếm “danh, lợi, thú”. Và vì sợ mất, tôi đã không dám sống như Lời Chúa Giêsu đòi hỏi.
Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi những ràng buộc của gian tà, tội lỗi, để nhờ sự tự do, chúng con tích cực xây dựng cuộc sống trần gian luôn công bình, bác ái và tràn đầy tình yêu thương.

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Thuộc về Cha

Thứ Ba Tuần VII Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 17,1-11a


"Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha." (Ga 17,9).

Chúa Giêsu biết rõ ở trong thế gian là thế nào và thoát khỏi thế gian là thế nào nên Ngài mới cầu nguyên như vậy. Còn chúng ta, chúng ta chỉ biết có thế gian này cho nên chúng ta quyến luyến nó, chúng ta sợ phải mất nó, khi nghĩ đến ngày chúng ta lìa xa thế gian thì chúng ta sợ hãi lo âu.
"Năm sự mừng, thứ hai Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời". Đúng vậy, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta hiểu thực chất của những giá trị thế gian, để ngày càng ái mộ những sự trên trời hơn.
Lạy Chúa, thế gian luôn đầy những cạm bẫy sự dữ, xin giúp chúng con vượt thắng những cám dỗ, những yếu hèn để gìn giữ lòng mình khỏi những bợn nhơ tội lỗi. Xin giúp chúng con đi hết hành trình đời mình với trọn niềm trung tín sắt son trong ơn gọi làm con Chúa. 

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Ngày Thế giới Truyền thông xã hội 48 tại Sài Gòn

Ngày Thế giới Truyền thông xã hội 48 tại Sài Gòn

WGPSG -- Theo yêu cầu của Công đồng Vatican II trong sắc lệnh Inter Mirifica, Tổng Giáo phận TP.HCM (TGP) cùng 2 Giáo phận Phú Cường và Mỹ Tho đã đồng tổ chức và long trọng cử hành Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 48 (TGTTXH) vào sáng thứ Bảy 31/5/2014 tại Trung tâm Mục vụ TGP.
Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Chủ tịch Ủy ban Truyền thông xã hội trực thuộc Hội đồng giám mục Việt Nam (UBTTXH) - đã chủ sự buổi cử hành này.
Hiện diện từ đầu buổi cử hành có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm (Phó Tổng thư ký HĐGMVN), Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài (Đài Chân lý Á châu), linh mục Giuse Vũ Hữu Hiền (Thư ký UBTTXH), quý linh mục đặc trách Truyền Thông các giáo phận Sài Gòn - Mỹ Tho - Phú Cường - Ban Mê Thuột - Vinh - Xuân Lộc, đại diện quý linh mục Đại Chủng viện và Trung tâm Mục vụ TGP, quý linh mục Hạt trưởng cùng các linh mục TGP, quý Bề trên các Dòng tu, quý chủng sinh, thành viên mục vụ truyền thông (MVTT) các GP Sài Gòn - Mỹ Tho - Phú Cường - Ban Mê Thuột và quý khách mời. Đặc biệt, vào cuối Thánh lễ tạ ơn, ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (ĐHY) và Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc (ĐTGM) cũng đã đến để ban huấn dụ cho các thành viên MVTT.
Từ 6 giờ sáng, các thành viên MVTT TGP Sài Gòn đã có mặt tại Trung tâm mục vụ TGP để chuẩn bị cho ngày hội và ân cần đón tiếp các thành viên MVTT các Giáo phận bạn và  khách mời đến tham dự lễ hội.
Đúng 7 giờ, sau một hồi kèn trumpet, các thành viên MVTT đã chia thành 4 nhóm, làm thành 4 vòng tròn để sinh hoạt giao lưu với nhau. Bầu khí “hiệp thông và gặp gỡ đầy thân thiện” đã bao trùm lên các nhóm. Mọi người - dù rất xa lạ và chưa quen biết nhau - bỗng trở nên gần gũi thân thiết khi vui vẻ múa hát, tham gia các trò chơi và trao đổi những kinh nghiệm truyền thông với nhau. ĐGM Giuse Nguyễn Tấn Tước cũng đã đến gặp gỡ và chụp hình chung với cả 4 nhóm.
7g45, mọi thành viên cùng quý khách đã tập trung vào Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn để bước vào chương trình chính thức. Buổi cử hành hôm nay gồm các phần chính:
• Nghi Thức Cung nghinh Lời Chúa và Khai mạc;
• Nhìn lại sinh hoạt truyền thông của ba Giáo phận: Sài Gòn, Phú Cường, Mỹ Tho;
• Học hỏi và diễn tả Sứ Điệp Ngày TGTTXH lần thứ 48 của ĐTC Phanxicô;
• Định hướng Mục vụ Truyền Thông trong năm tới và mừng Bổn mạng MVTT;
• Thánh lễ tạ ơn, nghi thức tuyên hứa và tri ân, bữa ăn giao lưu;
• Nghi thức trao gửi hành trang truyền thông.
NGÀY TGTTXH 48: SINH HOẠT VÀ SỨ ĐIỆP
Trong phần học hỏi Sứ điệp Ngày TGTT lần 48 của ĐTC Phanxicô, với cách diễn đạt hết sức lôi cuốn, ĐC Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã triển khai hai hình ảnh “Người Samari nhân hậu” và “Hai môn đệ làng Emmaus” để đưa ra những gợi ý suy tư thật ý nghĩa cho những người đang làm công tác truyền thông. Đó là cần phải có tinh thần: Đồng cảm - Lắng nghe - Chia sẻ, nhờ đó có thể đồng hành, giúp đỡ các nạn nhân đang bị tấn công và bị tổn thương trên mạng internet. Cần cẩn thận để đừng trở thành “kẻ cướp” hay thành “nạn nhân của kẻ cướp” khi sử dụng internet.
Bài thuyết trình của Đức  cha Khảm đã được minh hoạ bởi hai tiểu phẩm do nhóm Idecaf thực hiện. Tiểu phẩm “Tình người thời @” diễn tả những bóng tối của xã hội hiện đại đã được trình bày trước bài thuyết trình. Và sau bài thuyết trình là tiểu phẩm “Sứ điệp của Người” diễn tả những mảng sáng của xã hội nhờ ảnh hưởng đáng phấn khởi của những giáo huấn và những truyền thông tốt đẹp.
Cộng đoàn tham dự buổi cử hành cũng vui vẻ diễn tả nội dung sứ điệp Ngày TGTTXH 48 khi cùng múa hát vũ khúc cộng đồng “Lễ hội Văn hóa Truyền thông”: “Bên nhau, mong ra đi để chung xây văn hoá thắm tươi của gặp gỡ…” (Xem video: Lễ hội Văn hoá truyền thông
Vũ khúc “Điệu Hò Ra Khơi” thật hùng tráng và chuyên nghiệp của nhóm múa Idecaf - diễn tả các nỗ lực của Kitô hữu sử dụng truyền thông như những mái chèo ra khơi truyền giáo với Đức Kitô - đã kết thúc với pháo hoa rực rỡ để chúc mừng Chúa Thăng Thiên, Bổn mạng MVTT Sài Gòn – Mỹ Tho – Phú Cường.
Cao điểm của Lễ hội hôm nay là Thánh lễ đồng tế thật trang trọng, với phụng vụ Lễ Chúa Thăng Thiên, do Đức cha Chủ tịch UBTT chủ tế và chia sẻ Lời Chúa. Sau Thánh lễ, các thành viên MVTT đã long trọng lập lại lời tuyên hứa dấn thân truyền thông trong tư cách là những Kitô hữu trưởng thành. Tiếp theo là phần tri ân các Đấng Bản quyền, các vị lãnh trách nhiệm MVTT và các ân nhân truyền thông. 
Sau đó, ĐHY đã đến nhắn nhủ các thành viên MVTT hãy truyền thông với tinh thần của 6 chữ T: “Trung Thực – Thân Thiện – Thanh Thoát”. Nếu không có tinh thần này, Truyền thông có nguy cơ rơi vào 2 chữ T bi đát: “Tiêu Tùng”!
ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc cũng đến thánh hoá bữa ăn trưa, sau khi nhắn nhủ mọi người hãy truyền thông với nụ cười và hãy nói lên được tiếng nói của những người nghèo, những người bị loại ra ngoài xã hội…
Sau bữa ăn trưa giao lưu thắm thiết, các thành viên MVTT đã trở lại hội trường để cử hành nghi thức “Trao gửi hành trang truyền thông” do Đức cha Chủ tịch UBTTXH chủ sự. 
Buổi cử hành Ngày TGTTXH lần 48 và Mừng Bổn mạng Ban MVTT 3 Giáo phận: Sài Gòn - Phú Cường - Mỹ Tho được khép lại vào lúc 14g00 với lời tuyên bố bế mạc của Đức cha Chủ tịch UBTTXH và những màn chụp hình chung đầy lưu luyến. Mọi người chia tay và hẹn gặp lại nhau trong các sinh hạt truyền thông và đặc biệt trong Ngày TGTTXH lần thứ 49 được cử hành vào năm sau.

Thầy đã thắng thế gian

Thứ Hai Tuần VII Mùa Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 16,29-33

Lúc ấy, mặt trời đã lên cao, ánh mắt của nó chiếu qua tấm che trần màu đỏ tía, khiến cho nhà hát ngập màu máu. Cát nhuốm màu lửa đỏ, và trong thứ ánh sáng ấy, nét kinh hoàng hiện lên khuôn mặt khán giả cũng như bãi đấu trường mà lát nữa đây sẽ tràn ngập nỗi đau đớn của những con người bị hành hình và nỗi điên cuồng của những dã thú. Cửa hầm mở, đoàn người gói trong những tấm da thú bị đẩy ra. Toàn nhà hát vang lên tiếng rì rầm: "Bọn Thiên Chúa giáo! Bọn Thiên Chúa giáo!"... Đây là cảnh tượng cuộc hành hình những Kitô hữu tiên khởi thời Néron năm 64.
Lịch sử Giáo Hội mở ra với những cuộc bách hại. Và trải qua 2000 năm, bị nghi ngờ, bị thù ghét và bách hại luôn là số phận của Kitô hữu. Tại sao? Lời Chúa Giêsu hôm nay là câu trả lời quý giá cho tôi.
"Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian." (Ga 16,33).
Lạy Chúa Giêsu, con xin tín thác vào Chúa như con thơ nép mình trong cánh tay mẹ hiền. Xin cho con luôn biết can đảm đối diện với thập giá trong cuộc đời. 

Giáo hội không thể không biết đến các phương tiện truyền thông xã hội

Giáo hội không thể không biết đến các phương tiện truyền thông xã hội

WHĐ (04.06.2014) – Phương tiện truyền thông xã hội có thể phơi bày điều tồi tệ nhất trong con người, và ngay cả các tweet được rất nhiều người đọc của Đức giáo hoàng Phanxicô cũng phải hứng chịu những lời bình ​​xấu xa. Nhưng Đức Tổng giám mục Celli nói rằng Giáo hội Công giáo không thể bỏ qua những cơ hội Phúc Âm hoá mà Internet mang lại.
Trong một buổi họp báo hôm thứ Năm 22-05, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Truyền thông Xã hội đã nói với các phóng viên: “Trong Giáo hội, chúng ta cứ đánh bắt cá ở trong hồ, mà quên rằng còn có rất nhiều cá ở bên ngoài”.
“Nếu Giáo hội không tham gia lĩnh vực truyền thông xã hội, thì rốt cuộc chúng ta sẽ nói chuyện với chính mình”.
Trong bài nói chuyện tại buổi cử hành Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội của giáo phận Brooklyn (New York, Hoa Kỳ) hôm thứ Năm 29-05 vừa qua –ngày lễ Chúa Thăng thiên–, Đức Tổng giám mục Celli công nhận rằng các diễn đàn truyền thông xã hội có thể kích động các cuộc tấn công cá nhân và gây chia rẽ hơn là xây dựng cộng đoàn.
Chẳng hạn –nói với các giám đốc điều hành phương tiện truyền thông kỹ thuật số tại New York hôm thứ Tư 28-05–, Đức Tổng giám mục Celli cho biết Toà Thánh đã bác bỏ yêu cầu của Facebook đề nghị thiết lập một trang Facebook cho Đức giáo hoàng Phanxicô, vì việc đọc các lời bình bất nhã trên Facebook rất vất vả. Ngài nói rằng các nhân viên Toà Thánh đã dành thời gian “dọn dẹp” trang Facebook để chăm sóc cổng thông tin của Vatican; họ xoá bỏ những lời bình thô tục và để lại những lời bình lịch sự.
Đức Tổng giám mục Celli nói rằng những phản hồi bất nhã trên Twitter thì ít nổi bật nên cũng ít cần phải để ý. Đức giáo hoàng có 4 triệu follower cho tài khoản @Pontifex và Đức Tổng giám mục Celli nói những ước tính dè dặt cho thấy: qua cáctweet lại và các hình thức chia sẻ khác, có khoảng 60 triệu người đã đọc các tweetcủa Đức giáo hoàng – thường được gửi đi mỗi ngày một lần bằng chín thứ tiếng.
Đức Tổng giám mục Celli nói: “Chúng ta không ‘ngây thơ’ về những mối nguy hiểm của các phương tiện truyền thông xã hội. Nhưng khi gia nhập lĩnh vực này, chủ yếu bạn phải nhìn vào khía cạnh tích cực”. Ngài coi phương tiện truyền thông xã hội như một “lục địa kỹ thuật số” mà Giáo hội phải ứng xử như miền đất truyền giáo.
Khi được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm đứng đầu Hội đồng Toà Thánh về Truyền thông Xã hội vào năm 2007, Đức Tổng giám mục Celli đã thúc đẩy Vatican nắm bắt các phương tiện truyền thông mới.
Đức Tổng giám mục Celli nói rằng có điều gì giống như xảy ra “khủng hoảng” khi Toà Thánh khai trương tài khoản Twitter của Đức giáo hoàng Bênêđictô vào năm 2012, vì lo ngại sẽ có những chỉ trích trên mạng. Ngài nói rằng thực tế số lượng các ý kiến ​​tiêu cực trên Twitter đã tăng mạnh trong năm cuối cùng của triều đại Đức Bênêđictô khi ngài phải đối mặt với một loạt các bài báo về những bê bối ở Vatican.
Nhưng Đức Tổng giám mục Celli nói giọng điệu đã thay đổi đáng kể dưới thời Đức giáo hoàng Phanxicô, mà ngài cho rằng phần nào do sự hăng hái của vị tân giáo hoàng trong việc truyền thông bằng mọi phương tiện có thể. Ngài nói rằng sự cởi mở với truyền thông rõ ràng phản ánh quan điểm của Đức giáo hoàng Phanxicô về Giáo hội.
“Đó là một Giáo hội Công giáo luôn mở cửa cho mọi người. Cánh cửa mở ra để những ai muốn vào đều vào được, bất kể hoàn cảnh sống của họ”.
Chìa khoá cho người Công giáo, Đức Tổng giám mục Celli nói với cử toạ, là chìa má bên kia khi bị tát má này. “Sự hiện diện của chúng ta (trong lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số) sẽ chỉ có hiệu quả nếu chúng ta là những chứng nhân đích thực cho đức tin của mình”.
(Theo David Gibson, Huffington Post)