Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Quà tặng Thánh Thần

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống - Lễ chính ngày
Lời Chúa: 
 Ga 20,19-23

"Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Các con hãy nhận lấy Thánh Thần." (Ga 20,21-22).
Người thầy giáo da đen
Năm 1917, tại một xóm nghèo bang Mississipi Hoa Kỳ, một toán người da trắng quá khích đã bủa vây bắt trói một thanh niên da đen vì nghi ngờ anh đang diễn thuyết kêu gọi đồng bào anh nổi loạn chống lại họ. Anh ta tên là Lawrence. Anh bị lôi đến một gốc cây, tròng dây thòng lọng vào cổ, dưới chân xếp một đống củi to. Đám đông ra lệnh cho anh được nói những lời cuối cùng trước khi chết...
Lawrence thầm cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, rồi sau đó hiên ngang lên tiếng lặp lại tất cả những gì anh đã diễn thuyết trước đó cho người da đen. Anh bắt đầu bằng cách phác họa cảnh sống của hai dân tộc anh em da đen và da trắng trong sự tương trợ đoàn kết. Anh ngỏ ý sẽ tổ chức một ngôi trường để dạy cho đồng bào anh để họ xứng đáng sống bên cạnh người da trắng. Từ đó, hai bên sẽ dễ dàng hiểu biết và giúp đỡ nhau. Anh nêu tên một số người da trắng có uy tín trong vùng đã hứa tài trợ cho anh. Anh còn khéo léo nói vài câu duyên dáng làm cho đám đông bật cười. Cuối cùng, anh khẳng định: anh đấu tranh với sự dốt nát mù chữ và chống lại sự nghèo nàn lạc hậu, chứ không hề có ác ý với ai cả.
Anh vừa dứt lời, đám đông mới đây còn đòi giết anh, giờ đây lại hò reo hoan hô anh nhiệt liệt, ùa nhau đến tháo giây thòng lọng và công kênh anh lên. Lại có người đứng ra kêu gọi mọi người hãy giúp đỡ anh. Thế là người ta có bao nhiêu tiền đều móc ra, ném như mưa xuống dưới chân anh da đen nghèo xác xơ nhưng giàu thiện chí và hảo tâm...
Sinh ra ở miền Bắc Hoa Kỳ, Lawrence là con một bác thợ hớt tóc, được gia đình dành dụm nuôi ăn học đến hết bậc đại học. Ra đời, anh có thể tìm được việc ngay và có một đời sống sung túc nơi quê nhà, thế nhưng, cảnh cơ cực lam lũ của những đồng bào da đen đã thôi thúc anh bỏ tất cả để lưu lạc xuống miền Nam xin một chân thầy giáo làng cho người da đen. Chính ở đây, anh hiểu được nguyên nhân mọi khốn cùng người da đen phải gánh chịu là ở chỗ: đã dốt nát mù chữ mà lại còn mê tín dị đoan, và trắng tay, không biết một thứ nghề nào, từ đó họ lại càng bị người da trắng khinh bị đầy đọa. Ban ngày, Lawrence vất vả dạy học, tối đến, anh tự học thêm nghề trồng trọt, chuẩn bị cho ước mơ sẽ truyền nghề lại cho đồng bào.
Mùa xuân năm 1909, vừa tròn 24 tuổi, Lawrence khăn gói tìm tới khu xóm Braston có đông người da đen, dự định chọn nơi đây để mở trường. Anh đi tìm những người trại chủ da trắng để xin phép mở trường dạy nghề trồng trọt cho người da đen. Họ chả mấy tin tưởng vào lập luận của anh, nhưng họ cũng không có ý ngăn cản làm gì. Sau đó, anh lại đi vận động những người da đen chịu gom góp mỗi người một chút để có thể dựng trường. Họ vui mừng hy vọng lắm, nhưng vì nơi đây vừa mới bị mất mùa do nạn côn trùng tàn phá, họ lại quá nghèo nên chẳng góp được gì đáng kể. Nhưng Lawrence nhất quyết không chịu bó tay...
Một hôm, anh cầm theo cuốn Kinh Thánh, tìm ra ven rừng thanh vắng ngồi một mình dưới bóng một cây cổ thụ. Đang mải mê suy tư cầu nguyện, anh chợt bắt gặp một em bé da đen đang rụt rè nhìn anh từ xa. Anh gọi: "Nào em bé, lại đây chơi với anh đi!" Đứa bé tiến lại, nó thấy anh có cuốn sách đẹp thì mượn và cũng bắt chước cầm lên đọc chăm chú ra vẻ biết chữ. Lawrence phì cười khi thấy em cầm ngược đầu cuốn sách, anh vỗ vai em hỏi: "Chắc em thích đọc sách lắm phải không? Vậy thì ngày mai em hãy trở lại đây, anh sẽ bắt đầu dạy cho em biết dọc biết viết nhé!"
Hôm sau trở lại gốc cây, Lawrence đã thấy em bé có mặt cùng với hai đứa nữa. Thế là ngôi trường đã khai giảng ngay dưới tán cây ven rừng với 3 trò nhỏ đầu tiên, hiệu trưởng kiêm thầy giáo duy nhất chính là Lawrence, và giáo án là cuốn Kinh Thánh! Anh chọn bài giảng và tập đọc đầu tiên là một đoạn Lời Chúa nói về tình yêu thương. Được một lúc, anh nhìn quanh đã thấy một số người lớn da đen lấp ló ở các bụi cây gần đó, mải mê theo dõi như uống lấy từng lời giảng dạy giáo lý của anh. Thế là anh mời tất cả cùng ngồi vào để tập đọc đoạn văn được viết nắn nót trên tấm ván cũ. Sĩ số lớp học giờ đây gồm 5 trẻ em và 7 người lớn.
Ngày lại ngày, tiếng đồn lan ra, Lawrence thu nhận được hơn 50 học sinh. Mùa đông về, lớp học dời vào một căn nhà cũ nát bỏ hoang. Người trại chủ tốt bụng biết chuyện, tặng luôn cho anh căn nhà cùng với 16 mẫu đất bỏ hoang chung quanh và số tiền 50 đô-la. Các học sinh lớn xúm lại sửa chữa vách và mái nhà, làm lò sưởi và quét vôi. Anh lại tìm đến một trại chủ khác xin được một số lớn gỗ ván và mua chịu các vật dụng cần thiết cho ngôi trường.
Năm 1917, thoát được vụ hành quyết oan uổng như đã kể từ đầu, anh tạ ơn Chúa rồi lại quyết định mở một cuộc họp, mời tất cả những người da đen cùng các ân nhân người da trắng trong vùng đến nghe anh nói chuyện về dự kiến tương lai. Anh cho biết đây sẽ là ngôi trường nội trú cho các học sinh ở rải rác khá xa. Các em sẽ vừa học vừa làm để tự nuôi sống bằng việc canh tác khu đất quanh đây. Anh cũng xin mọi người có mặt đóng góp thêm để xây dựng một dãy lớp học mới vì sĩ số học sinh đã quá cao.
Vừa dứt lời, các ân nhân đã trao ngay cho anh một số tiền khá lớn, còn đồng bào da đen thì góp chung từng đồng xu lẻ dành dụm chắt bóp. Có người còn hứa tặng một phần hoa lợi vụ mùa sắp tới, người khác về nhà mang tới một bao bông vải hoặc nửa con lợn, một cặp ngỗng... và hầu hết đều hứa sẽ giúp công góp sức. Thế là hôm sau, cả đoàn những người đàn ông trai tráng kéo đến đốn cây, xẻ ván, dậm nền, dựng cột, xây vách. Phía các bà các cô thì buổi trưa mang cơm nước đến cho cánh thợ.
Qua năm 1910 thì ngôi trường hoàn tất, mang tên là "Ngôi Trường Thôn Quê", cùng với số cả trăm học sinh tại chỗ còn có thêm 18 em từ xa về nội trú. Tất cả được học chữ, nấu bếp, cắt may và nghề mộc. Buổi tối, lớp xóa mù chữ có gần 100 em nhỏ. Mọi học sinh đều mang tới góp, người thì bao bột mì, người thì chú heo con để sử dụng chung thay vì đóng học phí và tiền ăn. Lawrence cũng mời được một số thầy cô giáo thiện chí đến giúp. Anh thường nhắc họ luôn cầu nguyện trong niềm chắc tin rằng mọi sự đều do Chúa ban và lo liệu, nhưng phần mình vẫn phải nỗ lực làm việc để cộng tác với Người...
Năm 1912, Lawrence cưới vợ, cả hai vừa gắng công dạy học, lại vừa đi khắp nơi xin các mạnh thường quân hỗ trợ để trả lương giáo viên và nuôi sống các học trò nghèo. Anh chị hễ cứ gặp những trẻ bơ vơ lang thang là lại dắt về nuôi ăn và cho học hành tử tế. Đặc biệt có một em 14 tuổi sống như thú hoang trong rừng, đã được Lawrence tìm thấy đem về trường. 8 năm sau, cậu thi đỗ tốt nghiệp trung cấp hướng nghiệp, và trong ngày nhận bằng, cử tọa đã say mê nghe cậu thuyết trình về điện và các loại động cơ. Lại còn gia đình anh Collins cùng bầy con 12 đứa nheo nhóc được nhận vào trường, 12 năm sau, ông bố Collins cũng cùng lên nhận bằng với vợ con.
Tính đến năm 1953, trường đã đào tạo được 1.700 học sinh đậu tú tài và 325 người tốt nghiệp đại học. Không ít những học viên giờ đây là trại chủ, dược sư, giáo sư, nhạc sĩ, ca sĩ, sĩ quan, linh mục và mục sư. Có người học tiếp để lấy bằng tiến sĩ ở đại học Chicago. Năm 1960, trường có sĩ số 500 em với 40 thầy dạy, 650 mẫu đất sở hữu cùng với những dãy lớp khang trang, những vườn cây ăn trái và hoa màu, cả những xí nghiệp chế tạo bơ, sữa tươi và những cơ xưởng hướng nghiệp được trang bị tối tân.
Nhà cầm quyền bang Mississipi cuối cùng cũng đã nhìn ra công lao hy sinh tận tụy và lòng yêu thương vô hạn đối với đồng bào da đen khốn khổ của ông Lawrence. Họ chính thức trao tặng ông tước hiệu "Công Dân Số Một của Bang Mississipi". Sau khi ông qua đời, mới đây không lâu, người ta đã dựng tượng để ghi nhớ một tấm lòng vị tha cao quý. Tượng đài ghi hàng chữ: "Ông John Lawrence, một người con ngoan của Chúa, một thầy giáo tận tụy và một người bạn thân thương nhất của mọi người..." (Vietcatholic trích từ Tạp chí Tin Vui, 1974)
5. Lễ Hiện xuống mới
Lần đầu tiên thành viên của 56 phong trào đoàn sủng và cộng đoàn mới của Giáo Hội tập họp lại theo lời mời của vị Đại Diện Chúa Kitô. Đức Gioan Phaolô II muốn cuộc tập họp khổng lồ này chứng tỏ để mọi người thấy Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hiện xuống và đang canh tân bộ mặt trái đất.
Hôm ấy là thứ bảy 30 tháng 5, 1998, ngày áp lễ Hiện Xuống, có tới nửa triệu người đến từ khắp nơi trên thế giới. Riêng Âu Châu chừng 2,000 xe buýt chở khách tới Roma. Hàng triệu người coi truyền hình theo dõi biến cố này, qua 20 hệ thống truyền thông. Chưa bao giờ công trường Đền Thờ thánh Phêrô lại chật ních người tới mức đó, kể từ Năm Thánh 1950 đến nay.
Nhưng có phải chính Chúa Thánh Thần đã khơi dậy những phong trào đoàn sủng và những cộng đoàn mới này của Giáo Hội?
6. Quyền Năng Tha Tội
Trong một lần giáo huấn, Chúa Giêsu đã quả quyết với các Tông đồ: "Sự gì các con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc. Sự gì các con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở" (Mt 18,18). Và hôm nay, sau ngày phục sinh, trong một lần hiện ra với họ, Chúa Giêsu đã phán: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại". (Gn 19, 22-23). Khi nói lên lời đó, Ngài chính thức thiết lập Bí tích Giải tội, ủy thác cho Hội thánh quyền năng tha thứ và cầm buộc. Quyền năng nầy không chỉ được trao ban cho các Tông đồ nhưng còn thông chuyển đến các đấng kế vị là các Giám mục và những linh mục hiệp thông với các ngài.
Qua lời tuyên bố thiết lập Bí tích Giao hòa Chúa Giêsu muốn nói với các vị thừa tác viên đầu tiên và những người kế nghiệp rằng: một khi dưới đất họ đọc lên lời tha tội "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" thì lập tức trên trời Ngài sẽ chuẩn y, và dù tội con người có thẫm như máu đào cũng sẽ được biến đổi tinh trắng như bông.
Trong Tông thư Reconciliation and Penance, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: "Khơi dậy lòng sám hối và thay đổi tâm hồn nhân thế cùng trao ban cho con người tặng phẩm giao hòa chính là sứ mạng đặc thù của Hội thánh khi tiếp nối công trình cứu rỗi của Đấng Sáng Lập".
Có người đặt vấn đề: Tại sao lại phải đi xưng tội với một linh mục? Tới thẳng với Chúa không được sao?
Lẽ dĩ nhiên Chúa Giêsu có trăm muôn ngàn cách tha thứ tội lỗi con người, nhưng phương cách Ngài "làm người" để cứu thế và "chọn con người" để thi hành quyền năng tha tội là một ý định tỏ tường. Tuy nhiên, bên cạnh ý định của Thiên Chúa cũng có đó một số lý do khiến cho việc xưng tội với một linh mục trở nên cần thiết.
Catholicism and Life có chỉ ra những lý do như sau:
Thứ nhất, vì "có những tội được tha và có những tội bị cầm" nên hối nhân phải xưng tội mình ra thì linh mục mới có thể xác định được tội nào được tha và tội nào bị cầm.
Thứ hai, việc xưng tội với một linh mục sẽ giúp cho con người trở nên khiêm tốn. Người ta dễ chừa tội hơn khi biết rằng nếu mình phạm, mình sẽ phải xưng.
Thứ ba, chắc chắn hối nhân sẽ đón nhận được ơn thánh hóa từ bí tích Hòa giải. Nhưng trước đó, họ sẽ nhận được những lời khuyên hữu ích từ vị linh mục, giúp họ thăng tiến hơn trên đường thiêng liêng.
Thêm vào đó, có không ít khuynh hướng nhiệm nhặt hay buông thả khiến cho có người quá khắt khe, thấy điều chi cũng tội, hay có người qua lỏng lẻo đến nỗi bao tội tày trời cũng cho là chẳng có gì ghê gớm. Thậm chí có khi còn biện minh để lương tâm thấy tội nhẹ đi hay không còn tội lỗi gì nữa. Vì vậy, nếu không có sự trợ giúp của vị linh mục làm sao người ta có thể quân bình với chính mình và chân thành với Thiên Chúa được.
Cuối cùng, khi ban ơn tha tội, vị linh mục thay mặt Chúa sẽ bảo đảm ơn tha thứ cho hối nhân. Đối với người đi "xưng thẳng" với Chúa, ai sẽ đoan quyết cho điều đó? Chắc chắn không ai hết.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh cáo những người cho mình không cần Bí tích Giải tội như sau: "Thật là điên rồ và kiêu căng đối với những ai tự ý coi thường phương thế trao ban ơn sủng và cứu thoát mà chính Chúa Giêsu thiết lập, nhất là đối với những kẻ cho rằng không cần đến Bí tích Giải tội để được tha tội".
Có nhiều người vì ý thức lệch lạc nên coi thường xưng tội, nhưng cũng có không ít người vì đánh mất cảm thức về tội nên không còn thấy cần đi xưng tội nữa. Thậm chí có người xấu hổ ngại ngùng khi phải thú nhận tội mình với kẻ khác. G.K. Chesterton, một nhà văn trở lại Công giáo đã viết: "Không việc gì phải xấu hổ về những dại dột của mình... Đã là con người không ai không có lỗi lầm, nhưng lỗi lầm kinh khủng nhất của con người là cho mình không có lỗi". Thánh Gioan Tông đồ viết thẳng thừng hơn: "Nếu ta nói: ta không có tội là ta tự lừa dối mình, và sự thật không có trong ta" (1 Gn 1,8). Trái lại, "Nếu ta xưng thú tội lỗi mình thì Người trung tín và công chính đủ để tha thứ tội lỗi cho ta, và tẩy ta khỏi mọi bất chính" (1 Gn 1,9).
Một điều luôn gắn liền với Bí tích Giải tội là "ấn tòa" mà tất cả mọi linh mục phải tuân giữ. Không một điều gì nghe trong toà mà cha giải tội lại được phép nói ra cho người thứ ba, dù tính mạng của mình bị đe dọa hay an ninh quốc gia được bảo toàn.
Lịch sử Giáo hội ghi nhận biết bao hình ảnh hào hùng của những con người dám lấy máu đào bảo vệ đức tin, trong đó cũng có hình ảnh của những linh mục dám lấy mạng sống bảo vệ "ấn tòa giải tội".
Cha Gioan Nepomucene là mẫu gương tiêu biểu trong thế kỷ 14. Ngài là cha giải tội của Hoàng hậu Jane, nước Bohemia. Vua Wenceslaus là người đa nghi và ghen tuông. Vì muốn biết Hoàng hậu đã làm điều chi thầm lén nên vua yêu cầu cha Gioan thuật lại những gì nàng xưng ra với Ngài.
Tưởng rằng quyền lực và uy thế của mình có thể khui được ít nhiều bí mật nơi miệng cha Gioan, nhưng vua đã lầm. Vị linh mục của Chúa nhất quyết không hé lộ bất cứ điều gì. Kết quả, ngài bị nhốt vào hầm tối, và một đêm kia, bị nhận nước cho đến chết.
Ba trăm năm sau, khi khai quật lăng mộ cha Gioan, những người hữu trách ngỡ ngàng chứng kiến thân thể ngài mục hoàn toàn, ngoại trừ chiếc lưỡi vẫn nguyên vẹn như lúc còn sống. Ngày nay, trên chỗ ngài bị giết người ta dựng lên một tượng đài, phía dưới chân có khắc dòng chữ: "Nơi đây vị chứng nhân của Ấn toà Giải tội đã nằm xuống".
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao ban cho các Tông đồ món quà vô giá là Chúa Thánh Thần và quyền năng tha tội. Sứ mạng của các ngài và những người kế vị sẽ là việc làm nảy sinh hoa trái cho toàn nhân loại. Biết khiêm tốn mở lòng đón nhận ơn tha thứ, con người sẽ tìm thấy bình an và sự sống đích thực, dù thần chết có đang hăm he rình chờ. Biết tìm đến cùng tòa cáo giải, tâm hồn sẽ được chữa lành và ngập tràn hân hoan. (Lm Bùi Quang Tuấn, CSsR, Trích từ Vietcatholic)
7. Khai sinh giáo hội truyền giáo
Giải Nobel Hòa bình năm 2000 đã được trao cho Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung, một con người đã từ 30 năm nay đấu tranh không mệt mỏi cho công bằng, dân chủ và hòa hợp.
Tổng thống Kim là một người Công giáo, được Đức cố Tổng Giám Mục Seoul rửa tội vào năm 1956. Trong một đất nước chỉ có 10% dân số là Công giáo thì sự kiện này cũng đang nhắc nhớ về sự dấn thân của Giáo hội Công giáo tại lục địa Á Châu này.
Phần thưởng này đã được các vị lãnh đạo và chức sắc tôn giáo ở Hàn Quốc hân hoan chúc mừng. Một vị Hòa thượng lãnh đạo một Tông phái Phật giáo lớn nhất ở Hàn Quốc nhận định như sau: "Tổng thống Kim Dae-Jung sẽ được ghi nhớ như một vị lãnh đạo nổi bật của thế giới".
Lễ Hiện Xuống là lễ khai sinh một Giáo hội truyền giáo. Và nỗ lực đấu tranh cho công bằng, dân chủ và hòa bình với danh nghĩa là người Công giáo như Tổng thống Kim Dae-Jung chính là một công cuộc truyền giáo.
"Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em". Rồi Người thổi hơi vào các ông và bảo. "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần" (Ga 20,21-22). Các Tông đồ đã nhận lãnh Thánh Thần để ra đi truyền giáo. Chính Thánh Thần đã làm cho các ngài hoàn toàn đổi mới.
Từ chỗ không hiểu gì cả, thì nay các ngài đã hiểu rõ tất cả.
Từ sự nhát đảm, run sợ, cửa đóng then cài, thì nay các ngài mạnh dạn can đảm mở toang cửa ra.
Từ những dân chài ít học, thì nay các ngài nói được nhiều thứ tiếng khác nhau.
Bằng chứng là Phêrô, trước đây run sợ trước câu hỏi của một cô đầy tớ, thế mà nay dám đứng lên rao giảng giữa những người đã giết chết Thầy mình, khiến cho 3000 người gia nhập Giáo hội với chỉ một bài giảng duy nhất.
Không những các ngài can đảm rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh, mà còn dám hy sinh cả tính mạng vì danh thánh ấy. Tất cả các ngài đều đã chịu tử vì đạo. Và sau Phêrô, 39 vị Giáo hoàng tiên khởi đều anh dũng chết vì đạo thánh.
Người ta tưởng các ngài say rượu, nhưng thật sự thật các ngài đang say Chúa.
Người ta nghĩ các ngài điên dại, nhưng quả thật thì các ngài đang đầy tràn Thánh Thần.
Lễ Hiện Xuống không chỉ là ngày khai sinh Giáo hội, mà Lễ Hiện Xuống vẫn còn tiếp diễn, nghĩa là Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động trong Giáo hội.
Người ta gọi Công đồng Vatican II là một Lễ Hiện Xuống mới, một luồng gió mới đã thổi vào Giáo hội để canh tân cho thích hợp với tốc độ chóng mặt của thế giới ngày nay.
Công đồng đã long trọng khẳng định: "Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo" (TG 2). Đức Gian Phaolô II nhận định: "Đã đến lúc phải dốc toàn lực trong giáo hội vào một cuộc loan báo Phúc Âm mới và vào sứ vụ đến với muôn dân. Không một ai trong những người tin vào Đức Ki tô, không một tổ chức nào trong Giáo hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là toan báo đức Kitô cho mọi dân tộc" (Sứ vụ Đấng cứu rỗi, 3).
Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ sau khi tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ bảy liên Hội đồng Giám mục Á châu đã có cảm nhận rất sâu sắc này: "Giáo hội tại châu Á phải là một Giáo hội truyền giáo". Ngài giải thích: "Vì Chúa Giêsu là người châu Á, Giáo hội Thiên Chúa đã được phát sinh tại châu Á, và ý định của Thiên Chúa là cứu rỗi hết mọi người, thế mà hôm nay lại rất ít người châu Á biết Chúa và tin theo Chúa" (CGDT số 1250). Quả thật, tại châu Á, đông dân nhất năm châu mà chỉ có 3% dân số tin theo Chúa. Đó là nỗi ray rứt của mỗi người chúng ta, mà cũng là thách thức từng ngày của mỗi tín hữu Kitô.
Lạy Chúa, xin hãy thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, văn minh và an bình cho tha nhân, nhất là khát vọng muốn giới thiệu Chúa Giêsu cho thế giới; nhưng trước hết, là cho những người bên cạnh chúng con bằng đời sống phục vụ và yêu thương. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét