Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Sống giây phút hiện tại

Thứ Năm Tuần XXX Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: 
 Lc 13,31-35

LỜI CHÚA:

"Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi." (Lc 13,33).

SUY GẪM:

Chúa Giêsu đã tỏ ra bình thản trước việc Hêrôđê đang tìm cách sát hại Ngài. Sở dĩ Ngài bình thản được như thế là vì Ngài luôn trung thành tuyệt đối với ý định của Thiên Chúa. Thật vậy, cả cuộc đời Ngài là một tiếng xin vâng đối với thánh ý Thiên Chúa. Do đó, một khi biết rằng có một hiến lễ phải hoàn tất và hiến lễ ấy nằm trong chương trình của Thiên Chúa thì không gì phải làm cho Ngài bận tâm, ngoài việc chu toàn công việc được giao phó... Xin cho chúng ta biết sống trọn giây phút hiện tại, nhờ đó chúng ta an tâm và sẵn sàng bất cứ lúc nào Chúa đến gọi chúng ta. (Trích: Mỗi ngày một tin vui)
Một tu sĩ nọ được giao nhiệm vụ may vá. Ngày kia, Thầy ngã bệnh nặng. Trong lúc hấp hối, Thầy nói “Hãy đưa cho tôi chìa khóa thiên đàng”. Những người quanh giường bệnh bối rối nhìn nhau không hiểu Thầy muốn gì. Nhưng một người hiểu ý đưa cây kim cho Thầy. Tu sĩ ấy mỉm cười hài lòng. Cây kim mà Thầy dùng mỗi ngày để may vá cho mọi người trong cộng đoàn chính là chìa khóa mở cửa thiên đàng cho Thầy. (Drinkwater)
Có Mấy người Pharisêu đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!” Người bảo họ, các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất.” (Lc 13,31-32)
- Một lần Thánh Gioan Boscô hỏi các học sinh của Ngài đang chơi đùa: “Nếu ngay bây giờ các con biết mình sắp chết, các con sẽ làm gì?” Một số trả lời sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số khác cho biết sẽ đi xưng tội dọn mình chết lành. Riêng Đaminh Savio điềm nhiên trả lời: “Nếu trong giây lát con sẽ chết, con vẫn tiếp tục cuộc chơi”.
Đứng trước mối đe doạ là cái chết, Chúa Giêsu vẫn chu toàn bổn phận người làm con.
CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết sống giây phút hiện tại và chu toàn bổn phận Chúa đã trao cho con.

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Qua cửa hẹp

Thứ Tư Tuần XXX Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: 
 Lc 13,22-30

LỜI CHÚA:

"Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được." (Lc 13,24).

SUY GẪM:

1. Một cặp vợ chồng trẻ nọ chia sẻ cho nhau nghe ước muốn có được một ngôi nhà khang trang. Một nhà tỉ phú tình cờ theo dõi câu chuyện. Với tất cả nghiêm chỉnh, ông đề nghị với họ: nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng họ một triệu mỹ kim. Hai vợ chồng đồng ý. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỉ phú thì người chồng cũng bắt đầu hối hận. Nhưng đã quá muộn. Sau một đêm để có một triệu mỹ kim, hai vợ chồng đã tan vỡ. Con đường dễ dãi là con đường dẫn tới hư mất. Sự thành đạt thường không đến cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của những cố gắng và kiên nhẫn lâu dài. (Trích: Mỗi ngày một tin vui)
2. Chịu ảnh hưởng của nền văn minh hưởng thụ, người thời nay có khuynh hướng làm cho mọi việc thành thoải mái dễ chịu, kể cả việc sống đạo. Thí dụ: trong nhà thờ ghế phải rộng và êm, phải có quạt máy, cha phải giảng ngắn. Những lời nhắc nhở của ĐGH về hôn nhân bất khả li, về luật cấm phá thai, về độc thân Linh mục… bị coi là chói tai nên không được đáp ứng. Cách sống đạo như thế không phải là đi qua cửa hẹp. Thánh Phaolô đã so sánh cuộc sống tín hữu như một cuộc chạy đua: để đạt huy chương, người lực sĩ nào cũng phải dày công khổ luyện.
3. Chúa Giêsu nói với dân chúng: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.” (Lc 13,24)
Đậu tốt nghiệp hạng ưu, thằng nhóc nó vui mừng hớn hở về báo tin cho tôi. Tôi đã đọc được niềm vui trong lòng nó, tôi tự nhủ rằng: “Cậu tú nhà tôi đậu được thủ khoa cũng đáng”, bao công lao thức khuya dậy sớm “dùi mài kinh sử”, nó còn phải giã từ cả sân cỏ: không đá banh, không patin, cũng không bén mảng đến hồ bơi, nó bỏ hết những cuộc chơi.
Từ đó tôi nghiệm ra rằng thành đạt là kết quả của những cố gắng lâu dài mà con đường dẫn đến không dễ dàng, đòi hỏi nhiều hy sinh và phấn đấu. Con đường tiến về quê trời cũng vậy, đòi hỏi tôi lựa chọn đi qua cửa hẹp. Đó chính là điều Chúa Giêsu mời gọi hôm nay, như chính Ngài đã lựa chọn con đường của thập giá.
CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết kiên trì chiến đấu với những thử thách, cám dỗ trong cuộc sống này, và từng ngày học sống Lời Chúa, đi theo con đường của Chúa, d9oe63 con được vào Nước Chúa mai sau.

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Nước Thiên Chúa

Thứ Ba Tuần XXX Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: 
 Lc 13,18-21

LỜI CHÚA:

"Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được." (Lc 13,19).

SUY GẪM:

1. Chúng ta chỉ nghe cây rừng đổ ngã mà không nghe được tiếng thì thầm của những mầm non đang mọc lên. Chúng ta tính toán dựa trên những con số mà không thẩm định dựa trên phẩm chất. Chúa Giêsu dùng những hình ảnh này để trấn an và khuyến khích các môn đệ. Những phương tiện nhỏ bé và hầu như vô hiệu các ông đang có trong tay quả thực làm cho các ông băn khoăn lo lắng. Nhưng Chúa muốn các ông đặt tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa. Các tông đồ đã đi rao giảng với hai bàn tay trắng. Nhưng đó đã là sức mạnh nhào nắn Giáo Hội từ 2000 năm qua. (Trích: Mỗi ngày một tin vui)
2. Tuy nhiên ta phải nhớ rằng hạt cải không tự động nẩy mầm, nắm men không tự động làm bột dậy lên. Muốn sinh hiệu quả, hạt cải phải được “gieo xuống” lòng đất và nắm men phải được “vùi vào” thúng bột.
3. Phaolô nói “Tôi trồng. Apollo tưới. Nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên”. (1Cr 3,6)
4. “Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.” (Lc 13,19)
Có anh thanh niên nọ được sinh ra trong một gia đình giàu có, sung túc chẳng thiếu thứ gì. Nhưng anh vẫn cảm thấy buồn và cuộc sống dường như tẻ nhạt. Một hôm anh ta bắt gặp ngay đoạn Tin Mừng: “Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, rửa chân cho Phêrô, Giuđa,...” và anh đã đọc được Lời Chúa nhắc bảo: “Các con hãy rửa chân cho nhau”. Chính hình ảnh ấy và câu nói đó đã thôi thúc anh ra đi phục vụ cho người khác. Anh xin tới những vùng xa xôi, những trại tỵ nạn để phục vụ. Và chính lúc phục vụ anh đã tìm thấy niềm vui và cản thấy đời đáng sống hơn. Cuối cùng anh ta đã xin ra nhập đạo.
CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết đón nhận và sống lời Chúa dạy. Một khi con được thấm nhuần đời sống Tin Mừng thì con sẽ làm được những việc phi thường vì có ơn Chúa giúp sức.

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Đêm sáng mãi đức tin

WGPSG -- “Các con hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28, 9)
Đêm Hội ngộ Giới trẻ giáo hạt Tân Định lần 3 với chủ đề: “Đêm sáng mãi Đức tin” được diễn ra rất đặc biệt vào chiều ngày 26/10/2013, tại nhà thờ giáo xứ Tân Định, thuộc TGP TPHCM.
Lúc 16g30, chương trình được bắt đầu với phần tư vấn và hòa giải cho các bạn trẻ, do các cha Dòng Đa Minh phụ trách.
Đúng 17g30 là phần giao lưu của các bạn trẻ với những bài hát sinh hoạt sôi động như: Nối vòng tay lớn, Gieo mầm tin yêu, Đừng sợ… kết hợp với những cử điệu trẻ trung làm cho bầu khí thêm vui tươi và phấn khởi.
Khai mạc
Lúc 18g00, cha Hạt trưởng hạt Tân Định GB Võ Văn Ánh có đôi lời chào đón các bạn trẻ đã tề tựu về đây trong mái nhà chung thân thương của giáo hạt, và chính Chúa Giêsu cũng đang giang tay chào đón các bạn. Sau đó, cha hạt trưởng tuyên bố khai mạc Đại hội.
Tiếp đến, các bạn trẻ được cha Gioan Lê Quang Việt - Đặc trách Giới trẻ TGP TPHCM - chia sẻ về Đại hội Giới trẻ Thế giới Rio 2013, và các bạn được xem những hình ảnh về Đại hội qua các video clip. Cha Gioan đã đưa ra những định hướng mục vụ cho Giới trẻ Tổng Giáo phận theo Sứ điệp của Thượng Hội đồng Giám mục về Tân Phúc Âm hóa là phát huy phong cách loan báo Tin Mừng của người trẻ cho người trẻ qua các sự kiện: Ngày Giới trẻ Tổng Giáo phận, giáo hạt, giáo xứ, hội đoàn, nhóm trẻ…
Thánh lễ
18g30, Thánh lễ đặc biệt dành riêng cầu nguyện cho các bạn trẻ, cũng là Thánh lễ Bế mạc Năm Đức Tin. Chủ tế là Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục GP Phú Cường. Đồng tế với ngài có cha Hạt trưởng GB và quý cha trong giáo hạt Tân Định, cha Gioan Lê Quang Việt - Đặc trách Giới trẻ TGP và cha Giuse Vũ Văn Quyên - Đặc trách Giới trẻ giáo hạt Tân Định cùng hơn 2.000 bạn trẻ nhiệt tình tham dự.
Trong bài giảng, Đức cha Giuse chia sẻ về đoạn Tin Mừng theo thánh Luca 18,9-14. Chúa Giêsu nói về Pharisêu tự hào là người công chính, khinh dể người khác, ông đến với Chúa trong sự tự mãn, kể công trạng của mình, và lời cầu nguyện của ông như là lời đòi hỏi Chúa phải thưởng công cho mình. Chúa rất vui vì có người nhiệt thành, nhưng Chúa cũng rất buồn vì người này khi ra về lại không nhận được gì nơi Chúa. Trái lại, người thu thuế vì mặc cảm tội lỗi nên đứng đàng xa, cúi mặt xuống sám hối thưa với Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Và Chúa Giêsu nói: “Người thu thuế này khi trở xuống về nhà, thì đã được nên công chính”. Đức cha nhắc đến cuộc phỏng vấn của ĐGH Phanxicô. Người ta hỏi Ngài là ai? ĐGH Phanxicô đã khiêm tốn trả lời: “Tôi là người tội lỗi, nhưng được Thiên Chúa xót thương đoái đến”. Cuộc đời mục tử của Ngài được Thiên Chúa xót thương và tuyển chọn.
Chúng ta là những tội nhân nhưng được Chúa đoái thương cho được sống làm người, làm Kitô hữu, được giữ vai trò này vai trò khác trong xã hội và Giáo hội. Chúng ta khiêm tốn và ý thức sự bé nhỏ, yếu đuối của mình để cậy trông vào Chúa, để dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện xứng đáng.
Cuộc đời hôm nay có nhiều bóng đêm, chúng ta cần chân thành khiêm tốn đặt mình trước mặt Chúa và có cái nhìn bao dung, cảm thông, chia sẻ với nhau, để cuộc sống này bớt tăm tối và hạnh phúc hơn.
Sau lời nguyện Hiệp lễ, anh đại diện Mục vụ Giới trẻ hạt có đôi lời cám ơn Đức cha Giuse, cha hạt trưởng, quý cha đồng tế, quý cha Đặc trách Giới trẻ, quý ân nhân và mọi người đã góp sức làm nên sự thành công cho Đại hội hôm nay.
Sau đó, Đức cha Giuse ban huấn từ cho các bạn trẻ: Bế mạc Năm Đức Tin, không có nghĩa là khép lại không sống đức tin nữa, nhưng là khởi đầu mới, góp phần làm cho sự hiện diện của Thiên Chúa sáng tỏ trong cuộc đời mình, và làm cho các bạn trẻ khác cũng nhận ra tình thương tha thứ của Chúa nơi cuộc đời họ.
Kết thúc Thánh lễ, Đức cha chủ tế ban phép lành toàn xá cho cộng đoàn tham dự.
Đêm sáng mãi Đức tin
Sau Thánh lễ là chương trình “Đêm sáng mãi Đức tin”, gồm hai phần:
Phần 1: Hồng ân Đức tin, gồm những tiết mục như: Lịch sử Đức tin, Chứng nhân tình yêu, I love Giêsu, Tâm điểm yêu thương…
Phần 2: Sáng mãi Đức tin, với các tiết mục như: Dòng đời, Con đường Chúa đã đi qua, Mong chẳng còn gì, Tình yêu mang tên Giêsu…
Các tiết mục được chính các bạn trẻ trong các giáo xứ và các hội nhóm dàn dựng, tập dợt và diễn xuất khá đặc sắc, làm cho người xem có cảm nhận rất gần gũi với tâm trạng thực của người trẻ trong cuộc sống hiện tại, từ cách nghĩ, cách sống, cách cư xử đến cách sống đạo. Xen lẫn các tiết mục, các bạn trẻ còn được hòa quyện vào các vũ khúc khi thì sôi nổi, mạnh mẽ như tuổi trẻ, khi thì nhẹ nhàng sâu lắng như chính tâm hồn các bạn. Phía dưới, hàng ngàn cánh tay giơ lên hòa theo các vũ khúc; trên cao, tượng đài Chúa Giêsu giang hai tay như muốn ôm lấy tất cả các bạn vào lòng Ngài để tha thứ, yêu thương, thêm sức mạnh và sai đi làm chứng nhân giữa lòng thế giới hôm nay.
Trước khi kết thúc chương trình là nghi thức Sai đi. Các bạn trẻ cầm nến sáng trong tay như ánh sáng Chúa Kitô được thắp lên cho cuộc đời mình, và từ đó lan tỏa đến những người xung quanh trong môi trường sống của các bạn: “Này bạn hỡi hãy thắp sáng lên… Thắp sáng lên ngọn lửa yêu thương…”
Kết thúc chương trình Đại hội vào lúc 21g30, các bạn chia tay nhau ra về với một tinh thần vui tươi, như được gần Chúa hơn, được mạnh mẽ và can đảm hơn với sứ mạng Chúa vừa trao phó: “Các con hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28, 9).




Được giải thoát

Thứ Hai Tuần XXX Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: 
 Lc 13,10-17

LỜI CHÚA:

Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!" (Lc 13,12).

SUY GẪM:

1. Cách chung, Luật Chúa và luật Giáo Hội nhằm giải phóng con người khỏi mọi trói buộc của tội lỗi và tật xấu. Cách riêng, luật thánh hóa ngày Sabát (nay đổi thành ngày Chúa Nhật) cũng thế. Tuy nhiên, một cách hiểu luật và giữ luật hoàn toàn vụ luật khiến cho luật trở thành xiềng xích và con người thành nô lệ.
2. Truyện cổ Đông phương kể rằng: ngày xưa, có vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn kì diệu và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quí hiếm và gắn nhiều kim cương lóng lánh. Nó kì diệu ở chỗ: nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, ngón tay rất đau đớn.
Mỗi người chúng ta cũng có một chiếc nhẫn thần là lề luật của Chúa. (Góp nhặt)
3. Chứng bệnh của bà này cũng tượng trưng cho tội lỗi, cho nên Thánh Luca nói bà này “bị quỷ ám”. Tội lỗi làm cho người ta “bị khòm lưng” và “không trông lên được”.
Xin Chúa hãy “nhìn thấy” hoàn cảnh khốn khổ của con vì tội lỗi, xin Chúa “đặt tay” lên con, làm cho con “đứng thẳng” và nhìn lên cao để tôn vinh Thiên Chúa.
4. Ngày Chúa Nhật là ngày giải phóng. Trong ngày đó, tôi phải ca tụng tạ ơn Chúa vì đã giải phóng tôi. Tôi phải quan tâm giải phóng chính mình khỏi mọi thứ xiềng xích xấu xa đang trói buộc mình, và cũng phải quan tâm giải phóng người khác khỏi lao nhọc, buồn khổ.
5. Truyện rất ngắn với tựa đề “Tính cách” của tác giả Nguyễn Thị Hoài Thanh đăng trong 40 truyện rất ngắn do Hội Nhà văn xuất bản năm 1994 có nội dung như sau:
Mẹ tôi luôn chai lì trước cán cân cơm áo, nhưng mẫn cảm trong nghệ thuật. Những nước mắt tình buồn phim ảnh, những sụt sùi số phận cải lương, bà đều hồn nhiên ăn theo một cách ngon lành. Có lần cha tôi nói giỡn: “Coi chừng trôi tivi”…
Một hôm, đang bữa ăn, bỗng nhiên mẹ tôi hớn háo phớt ra chặn đường em bé bán trứng vịt lộn: “Mày biến đâu tài thế! Có chui xuống đất rồi cũng gặp tao”. Bà vừa nói vừa dằn mũng trứng đếm lấy trừ nợ. “Dì ơi, cho con khất, mẹ con còn ốm”. Mẹ tôi cười: “Nhà này cũng đang ốm đây, khỏi bẻm mép”. Con bé chưng hửng lã chã nước mắt nhìn cái mũng không, rồi bưng lên xiêu vẹo bước đi. Cha tôi cám cảnh, rút mùi xoa chấm mắt. Lâu lâu tivi phát vở kịch “Cô bé nghèo bán trứng vịt bị xiết nợ”. Lúc ấy, mẹ tôi lại khóc, còn cha tôi thì cười.
Truyện ngắn trên đây có thể là bức tranh sống động hàng ngày. Người ta dành nước mắt cho những vở kịch trong phim ảnh, trên sân khấu hơn là cho những chuyện xảy ra mỗi ngày trước mắt; người ta xót thương trên môi miệng hơn là bằng những hành vi cụ thể.
Thời Chúa Giêsu, có lẽ những người biệt phái cũng có một tính cách như thế. Họ nhân danh lề luật, nhất là luật ngày hưu lễ, để biện minh cho thái độ sống ích kỷ của mình. (Trích: Mỗi ngày một tin vui).
CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con giữ luật Chúa dạy với một lòng yêu mến, để luật Chúa không trở thành gánh nặng nề đối với cuộc sống của con, nhưng để tốt cho phần rỗi của con.

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Khiêm tốn

Chúa Nhật Tuần XXX Mùa Thường Niên - Năm C
Lời Chúa: 
 Lc 18,9-14

LỜI CHÚA:

"Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên." (Lc 18,14).

SUY GẪM:

Người biệt phái và người thu thuế đều lên đền thờ và đều cầu nguyện. Nhưng lòng trí của mỗi người hướng đến những hướng khác nhau.
Lòng trí của người biệt phái hướng về ai ?
- Trước hết là hướng về người khác : "Lạy Chúa, con không như bao kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia"
- Đồng thời lúc đó cũng hướng về bản thân mình : "Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con"
- Nơi quan trọng nhất phải hướng về là Thiên Chúa thì hắn lại bỏ qua !
Còn lòng trí người thu thuế thì hướng thẳng về Thiên Chúa : "Lạy Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi".
Chúng ta dễ phạm lại sai lầm của người biệt phái : khi cầu nguyện, lòng trí chúng ta hướng về những nhu cầu ích kỷ của bản thân và than phiền về những điều khó chịu người khác gây cho mình.
Hãy học cầu nguyện như người thu thuế là hướng về Chúa. Có nghĩ về mình là để ý thức thân phận tội lỗi của mình để rồi càng hướng về Chúa nhiều hơn.
CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết khiêm tốn và chân thành khi cầu nguyện, để con được Chúa ban ơn tha thứ và được sống làm con Chúa.

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Sám hối

Thứ Bảy Tuần XXIX Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: 
 Lc 13,1-9

LỜI CHÚA:

"Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy." (Lc 13,5).

SUY GẪM:

- “Hãy sám hối”, đó là câu nói được khẩn thiết kêu gọi rất nhiều lần bởi Gioan Tiền hô, bởi Chúa Giêsu, bởi các tông đồ và bởi Giáo Hội. Tại sao? Vì con người luôn đi lệch đường. Sám hối là nhận ra mình đang lệch đường và mau mắn quay về đường chính.
Sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn, nhà vua bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây nến, rồi nói với họ: “Ai chịu đầu hàng và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị giết. Các ngươi hãy suy nghĩ. Khi cây nến tắt thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu”. Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy: Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng: không ai biết cây nến của đời mình còn dài hay ngắn. (Tonne)
- “Sám hối”. Vâng, tôi đã hơn một lần sám hối, thế mà cuộc đời tôi vẫn thế. Và hôm nay Chúa lại mời gọi tôi sám hối, mời gọi tôi hãy làm cuộc cách mạng tận căn mà lấy Lời Chúa làm chuẩn mực, một cuộc cách mạng dựa trên nền tảng của tình yêu thương, không đố kỵ. Không ghen ghét, để nơi con có được tình yêu mà Chúa đã đem đến nơi thế gian này.
CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, con là kẻ yếu đuối, tội lỗi. xin cho con luôn biết ăn năn sám hối và canh tân đời sống của con, để con được Chúa thương cứu chữ.

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Ngồi máy tính nhiều có nguy cơ?

Ngồi máy tính nhiều có nguy cơ mắc bệnh gì?
Ngồi máy tính nhiều, thường xuyên tiếp xúc với máy tính, theo thời gian sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của bạn. Ngồi  máy tính quá lâu có thể khiến bạn bị nhức đầu, mắt mờ, khô mắt, mệt mỏi, và nhiều bệnh khác nữa, trong đó có những bệnh ảnh hưởng lớn tới sức khỏe.
Hội chứng ống cổ tay
Một vấn đề sức khỏe hay gặp ở những người thường xuyên dùng máy tính là hội chứng ống cổ tay (Carpal tunnel syndrom). Hội chứng “ống cổ tay” hay còn gọi là hội chứng “chuột máy tính” là tên gọi căn bệnh dành cho những người sử dụng máy tính quá nhiều và không đúng cách, có cảm giác hai cánh tay bị tê mỏi và đau nhức, khớp xương cổ tay cũng có thể bị hơi sưng. Có thể nói, hội chứng ống cổ tay được xem như căn bệnh của thời hiện đại và ngày càng trở nên phổ biến trong thế giới hiện đại ngày nay.
Do những sợi thần kinh ở cổ tay và bàn tay chúng ta vận hành theo những kênh xác định hình thành xương, dây chằng và cơ bắp. Khi làm việc lâu trên bàn phím và đặc bịêt với chuột máy tính, dây thần kinh nối với xương bị ép vào nhau. Nếu điều đó tiếp diễn trong một thời gian đủ lớn, sẽ xảy ra hiện tượng tê cứng, đau buốt rồi ít lâu sau sẽ hoàn toàn mất cảm giác tại các ngón tay.
Nếu người sử dụng không để ý mà cứ tiếp tục sử dụng máy tính trong thời gian kéo dài, có thể sẽ dẫn đến những nguy cơ nghiêm trọng như hỏng dây thần kinh cổ tay, bàn tay biến thành màu đen sẫm, cơ bắp bị hoại tử.
Rối loạn thị giác
Viện sức khỏe và an toàn lao động quốc gia Mỹ đã bổ sung tình trạng sử dụng máy vi tính kéo dài là một yếu tố then chốt tạo nên”Computer Vision Syndrome” – hội chứng rối loạn thị giác (viết tắt là CVS) khi nhìn gần do sử dụng máy vi tính.
Hội chứng rối loạn thị giác gây ảnh hưởng từ 75% đến 90% người sử dụng máy vi tính có những vấn đề về mắt. Điều này phổ biến hơn những rối loạn về xương khớp (khoảng 22% số người sử dụng máy vi tính). Do đó, đây có thể là tình trạng phổ biến liên quan đến nghề nghiệp ở thế kỷ 21.
Bệnh nhân thường than phiền mắt bị căng thẳng hay mỏi mệt, nhất là khi chăm chú nhìn gần. Mắt mờ, nhìn hình thành có bóng đôi hoặc thay đổi sắc giác. Khô mắt, nóng rát, ngứa hoặc chảy nước mắt cũng là những rối loạn mà người sử dụng máy vi tính thường gặp. Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể nhầm với các bệnh lý viêm nhiễm tại mắt. Ngoài ra, nếu không giảm cường độ làm việc với máy vi tính, bệnh nhân hay than phiền nhức đầu và đau nhức hốc mắt nên tập trung kém đi.
Mệt mỏi, uể oải
Thời xưa, ông cha ta thường làm việc trên những vùng đồng cỏ rộng lớn, với tầm nhìn được phóng xa tới tận chân trời. Còn ngày nay, chúng ta phải ngồi ở bàn làm việc và luôn phải nhìn chằm chằm vào màn hình máy vi tính đặt ngay trước mặt. Hậu quả là hội chứng mệt mỏi do máy vi tính xuất hiện, gây ra các triệu chứng như mỏi mắt, chóng mặt, nhức đầu, uể oải, cổ, lưng và vai bị đau…
Lo lắng, căng thẳng và trầm cảm
Gần đây, các nhà khoa học Anh đã phát hiện một mối liên hệ giữa sử dụng máy tính và trầm cảm. Các nhân viên CNTT thường phải quản lý và khôi phục thông tin khi xảy ra sự cố, một công việc vô cùng căng thẳng. Điều đó không những dẫn đến việc thay đổi tâm trạng và trạng thái lo âu, mà việc căng thẳng thường xuyên còn có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng khác.
Đau thắt lưng
Ngồi quá lâu và sai tư thế có thể gây ra đau nhức và đau nghiêm trọng, đặc biệt là ở phần lưng dưới hay phần thắt lưng. Theo thời gian, ngồi quá lâu hoặc ngồi sai tư thế có thể làm hỏng cấu trúc cột sống, dẫn đến đau nặng, đau mãn tính.
Nhiễm khuẩn
Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng hầu hết các bàn phím và điện thoại di động đều chứa rất nhiều các loại vi khuẩn và các vi sinh vật khác. Ngoài việc lây lan những căn bệnh như cảm lạnh và cúm, thiết bị công nghệ bẩn có thể dẫn đến việc nhiễm tụ cầu khuẩn và những bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng khác.
Thiếu Vitamin D
Hầu hết vitamin D mà mọi người dung nạp vào cơ thể là từ ánh sáng mặt trời. Nhưng nếu bạn đang ở vùng khí hậu phía bắc và bạn dành hầu hết thời gian trong văn phòng thì bạn sẽ không có đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể. Sự thiếu hụt vitamin D có liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe, như các bệnh về xương, và một số bệnh ung thư.
Phòng tránh những bệnh do ngồi máy tính nhiều
Khi làm việc hoặc chơi game trên máy vi tính hơn 3 giờ/ngày, bạn sẽ gia tăng nguy cơ mắc phải các hội chứng trên. Vì thế, để ngăn ngừa, bạn cần ghi nhớ và thực hiện các biện pháp sau:
- Điều chỉnh ánh sáng trong phòng để tránh phản chiếu lên màn hình, chuyển vị trí những đèn có ánh sáng chiếu trực tiếp lên màn hình.
- Bảo đảm rằng bạn phải thiết kế bàn làm việc sao cho tầm mắt của bạn phải hơi nhìn xuống (khoảng 10 độ) trong lúc sử dụng máy vi tính (màn hình đặt thấp hơn tầm mắt).
- Áp dụng quy tắc 20 – 20 – 20: Cứ 20 phút hãy tìm một đối tượng cách 20 cm và nhìn chăm chú vào vật đó 20 giây. Đây là cách để mắt nghỉ ngơi khi phải thường xuyên dùng máy vi tính.
- Nên rời khỏi bàn làm việc sau mỗi giờ, nhằm giúp đôi mắt của bạn được nghỉ ngơi hoàn toàn, thoát khỏi màn hình trong chốc lát.
- Ngoài việc thường xuyên dành một khoảng thời gian ngắn để đi bộ thì bạn có thể bổ sung thêm hỗn hợp vitamin hay ăn những thực phẩm chứa nhiều vitamin D như ngũ cốc, các loại cá béo như cá hồi và cá ngừ.
- Bạn phải thường xuyên chớp mắt trong lúc làm việc để giữ ẩm cho mắt, tránh bị khô mắt.
- Để tránh đau vùng thắt lưng, bạn phải thường xuyên chỉnh cho mình ngồi đúng tư thế. Ngoài ra, bạn có thể đặt một cái gối ở phía sau, chỗ thắt lưng, và nhớ là phải bỏ mọi thứ trong túi quần ra để tránh tạo ra các điểm gây áp lực cho cột sống.
- Thường xuyên lau bàn phím và bề mặt bàn với các dung dịch kháng khuẩn sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Bạn có thể sử dụng thêm thuốc diệt trùng cho tay và nhớ rửa tay khi ăn uống trong giờ làm việc hoặc ăn trưa.
- Bạn nên áp dụng các phương pháp đánh máy khác nhau và không nên làm việc liên tục trước màn hình máy tính trong thời gian quá dài. Theo đó, cứ sau khoảng một tiếng đồng hồ, người sử dụng cần phải tiến hành hoạt động thả lỏng phần tay.

Nguồn: Y Dược 365

Nhận xét

Thứ Sáu Tuần XXIX Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa:  Lc 12,54-59

LỜI CHÚA:

"Cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?" (Lc 12,56).

SUY GẪM:

Khi cơ thể ta mang thêm một chứng bệnh, khi một phần cơ thể ta yếu đi,… tất cả đều là những tín hiệu cho biết trước ngày lìa thế của ta càng lúc càng gần. Tại sao nhiều người không nhận ra những tín hiệu ấy và sống như sẽ không bao giờ chết?
“Thiên Chúa nói thì thầm trong cơn vui sướng của chúng ta. Ngài nói đủ nghe trong lương tâm của chúng ta, nhưng Ngài la lớn trong những cơn đau của chúng ta.” (C.S. Lewis)
Khi biết chắc mình không còn nhiều thời giờ, người ta phải giải quyết nhiều vấn đề một cách rất gấp rút. Đối với những vấn đề quan trọng, thì cho dù không biết chắc thời giờ của mình còn lại nhiều hay ít, người khôn ngoan cẩn thận cũng lo giải quyết sớm. Điều chắc chắn: số phận đời đời là một vấn đề quan trọng. Điều ta không nắm chắc: thời giờ của mình còn lại bao nhiêu.
“Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này sao các ngươi không biết nhật xét?” (Lc 12,56)
Đất nước đã thay đổi rất nhiều. Tôi nhận ra điều đó ở trang phục của người dân thành phố. Người ta bỏ ra nhiều thời gian hơn để mua sắm, may mặc. Các mốt áo quần xuất hiện liên tục rồi thay đổi liên tục. Có những kiểu lịch sự, sang trọng làm người mặc trở nên duyên dáng, đáng yêu. Nhưng cạnh đó cũng có những kiểu hạ thấp giá trị người mặc. Vật chất giúp người ta sống thoải mái và xứng đáng hơn; nhưng cũng chính nó làm cho kẻ yếu lòng đánh mất phẩm giá cao quí của con người. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, tôi cảm thấy chao đảo trước những biến đổi của xã hội. Các chuẩn mực đạo đức văn hoá dường như đang lung lay. Đâu là ranh giới giữa đời sống thoải mái và một đời sống quá phụ thuộc vào vật chất, đâu là ranh giới giữa hạnh phúc và lầm lạc?

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra dấu chỉ của Chúa qua thời đại con đang sống, để con có thể nhận xét đúng đắn và sống tốt hơn như ý Chúa.


Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Lửa tình yêu

Thứ Năm Tuần XXIX Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: 
 Lc 12,49-53

LỜI CHÚA:

"Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên." (Lc 12,49).

SUY GẪM:

Lời Chúa Giêsu nói về sứ mạng của Ngài cũng là một lời khuyến cáo các môn đệ Ngài: Sự kiện Nước Thiên Chúa đến, không phải để các môn đệ hưởng thụ cuộc sống bình an một cách thụ động. Họ sẽ hưởng bình an đấy, nhưng là bình an mà họ phải cố gắng chiến đấu mới đạt được, chiến đấu trong gian truân thử thách, chiến đấu với cả những người thân nhưng không cùng niềm tin với mình. Phaolô và Barnabê đã hiểu như thế, nên đã khuyên các tín hữu rằng: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22).
Hòa bình Chúa ban là kết quả của những cố gắng để giải quyết tình trạng “chia rẽ”:
  Nơi bản thân mỗi người, chỉ có hòa bình thật khi không còn xung đột giữa cái tôi hướng thiện với cái tôi hướng ác;
 Nơi gia đình, nơi xã hội và bất cứ nơi nào cũng thế, chỉ có hòa bình thật khi mọi người đều một lòng một ý với nhau.
“Nếu trong tương lai, chúng ta không ký kết được những hiệp ước vững chắc và thành thật bảo đảm cho một nền hòa bình đại đồng, thì nhân loại, hiện đang gặp nguy cơ trầm trọng dù có một nền khoa học kỳ diệu đi nữa, có lẽ cũng sẽ tiến đến thảm khốc, tới một giây phút mà nhân loại sẽ không biết hòa bình nào khác hơn là thứ hòa bình khủng khiếp của chết chóc.”
Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49).
CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con cũng biết thao thức cùng với Chúa, để con can đảm dấn thân cho tình yêu, để ngọn lửa mà Chúa đã ném vào mặt đất được bùng lên như ý Chúa muốn.

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Hãy tỉnh thức

Thứ Tư Tuần XXIX Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: 
 Lc 12,39-48.

LỜI CHÚA:

“Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Lc 12,40).

SUY GẪM: 

Những nhà khảo cổ đã đào bới được thành phố Vesuve xưa kia bị núi lửa chôn vùi cách đột ngột. Người ta thấy nhiều cảnh tượng trái ngược nhau: có người chết đang khi nhậu nhẹt, có những người đang đánh nhau để tranh dành một số tiền. Nhưng đẹp nhất là hình một người lính gác vẫn đứng nghiêm, gươm giáo trong tay.
Một ngày nọ vào năm 1780 bỗng dưng cả vùng tiểu bang Connecticut bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận thế. Khi đó Hội đồng Lập pháp Tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu cầu hoãn cuộc họp để họ có thể về nhà cùng với gia đình chờ Chúa đến. Nhưng ông chủ tịch nói: “Không biết hôm nay có phải là ngày tận thế hay không. Nếu không thì không cần hoãn họp. Còn nếu phải thì chúng ta càng cần chu toàn nhiệm vụ hơn nữa. Xin thắp nến lên và chúng ta tiếp tục buổi họp.” (Drinkwater)
“Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Lc 12,40)
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con biết luôn chuẩn bị sẵn sàng, để khi Chúa gọi con, con có thể lên đường với Chúa.

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Tỉnh thức và sẵn sàng

Thứ Ba Tuần XXIX Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: 
 Lc 12,35-38ẪM:

LỜI CHÚA:

“Các con hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức.” (Lc 12,35.37).

SUY GẪM:

Trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô (1Pr 1,13-16): Thánh Phêrô giải thích thế nào là tỉnh thức: “đừng chiều theo những đam mê... sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em”.
Lời Chúa được ngỏ với con người xuyên qua cuộc sống mỗi ngày, nên cũng luôn mang tính bất ngờ. Chính trong những cái thường nhật, nhỏ bé, độc điệu mỗi ngày, con người được mời gọi để nhận ra lời ngỏ của Chúa. Chính trong những cái bất ngờ của cuộc sống mà con người được mời gọi để nhận ra tiếng Ngài.
- Xin Ngài cho chúng ta luôn có đôi mắt rộng mở để nhìn thấy Ngài trong từng biến cố cuộc sống. Xin Ngài cho chúng ta đôi tai tinh tường để biết lắng nghe tiếng mời gọi của Ngài trong từng phút giây cuộc sống. Xin Ngài cho chúng ta quả tim và đôi tay rộng mở để biết chia sẻ cho tha nhân là hiện thân của Ngài. (Trích: Mỗi ngày một tin vui)
Thái độ cơ bản của Kitô hữu, đó là tỉnh thức. Kitô hữu tỉnh thức vì biết rằng mỗi khoảnh khắc đều mang một ý nghĩa đối với một giai đoạn mới hoặc cần thiết cho sự trưởng thành, mỗi biến cố đều mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa. (Trích: Mỗi ngày một tin vui)
Tỉnh thức là luôn luôn ở trong tình trạng đang làm nhiệm vụ. 
“Các con hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức.” (Lc 12,35.37)
Cuộc sống đời này chỉ là tạm thời, ai cũng sẽ chết, thế mà người ta lại lo lắng, chăm sóc, bảo vệ. Nhưng bên cạnh sự sống này còn có một sự sống bất diệt, một cuộc sống cần phải gìn giữ hơn lại bị coi là thứ yếu vì không mấy người sợ phải chết đời đời.
Lạy Chúa, nếu mỗi người chúng con đều biết tỉnh thức để sắm sẵn cho mình sự sống đời đời, chắc hẳn thế giới này đã tươi đẹp hơn. (Hosanna)
(
CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết tỉnh thức và sẵn sàng trong mỗi ngày sống, để khi Chúa đến, con được hưởng phúc bên Chúa.

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Sử dụng tiền của

Thứ Hai Tuần XXIX Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: 
 Lc 12,13-21

LỜI CHÚA:

"Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?" (Lc 12,20).

SUY GẪM:

Một ông già nghèo ngồi bên cửa sổ lo lắng cho tương lai. Một người lạ mặt ôm một con ngỗng đến tặng ông già và nói: “Ông hãy chăm sóc con ngỗng này chu đáo thì nó sẽ giúp ích cho ông”. Rồi người đó đi mất. Ông già nghèo đem con ngỗng vào nhà, cho nó ăn, cho nó uống, ban đêm cho nó ngủ trong một cái lồng sạch sẽ. Sáng hôm sau khi nhín vào chiếc lồng ông vui mừng thấy một quả trứng ngỗng bằng vàng. Ông mang quả trứng ra tiệm bán được một số tiền lớn, mua được đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Hôm sau ông được thêm một trứng ngỗng vàng nữa. Hôm sau nữa cũng vậy. Cứ thế mỗi ngày ông nhặt được một quả trứng vàng. Từ đó ông không còn nghèo nữa, ông sống rất thoải mái. Nhưng dần dần ông trở thành tham lam. Ông không chịu mỗi ngày chỉ có một trứng, ông không thể chờ cho tới hết tuần mới có được 7 trứng. Ông muốn có ngay một lúc tất cả những trứng vàng của con ngỗng. Thế là ông mổ bụng con ngỗng ra. Nhưng ông chẳng thấy quả trứng nào trong đó cả. Ông vội may bụng ngỗng lại mong nó đừng chết. Nhưng vô ích. Khi đó người lạ mặt kia trở lại, và nói: “Trước đây tôi đã chẳng bảo với ông rằng nếu ông chăm sóc con ngỗng tử tế thì nó sẽ giúp ích cho ông sao? Bây giờ cả ông lẫn tôi đều đã mất tất cả”.
Có hai cách xài tiền đưa đến hai kết quả khác nhau:
Xài một cách ích kỷ cho riêng mình - Kết quả: không bảo đảm cho sự sống đời đời.
- Dùng tiền để “làm giàu trước mặt Chúa” - Kết quả: sự sống đời đời được bảo đảm.
CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cho con biết sử dụng tiền của Chúa ban để làm giàu trước mặt Chúa bằng các việc lành phúc đức, để con được sự sống đời đời trong Chúa.

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Kiên trì cầu nguyện

Chúa Nhật Tuần XXIX Mùa Thường Niên - Năm C
Lời Chúa: 
 Lc 18,1-8

LỜI CHÚA:

"Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?" (Lc 18,7).

SUY GẪM:

1. Có 3 người bị kẹt trong một căn phòng tối tăm và chẳng có cửa gì cả. Họ làm thế nào để thoát khỏi tình trạng bế tắc này ?
- Người thứ nhất là một nhà văn. Anh không có Đức Tin. Anh ngồi đấy và luôn miệng nguyền rủa.
- Người thứ hai là một tín hữu sốt sắng. Anh đã quỳ gối cầu nguyện rất lâu, sau đó ngồi xuống chờ phép lạ.
- Người thứ ba cũng là một tín hữu làm nghề thợ xây, vừa đạo đức vừa thực tế. Sau khi cầu nguyện, anh lấy từ túi đồ nghề ra một cây búa và một chiếc đục, rồi bắt đầu đục tường. Công việc rất lâu lắc và cực nhọc. Bụi bắn vào mặt anh, vào cả mắt anh. Mồ hôi anh nhễ nhại. Nhưng anh vẫn kiên trì đục. Thỉnh thoảng dừng lại nói "Lạy Chúa, xin cứu giúp chúng con".
Đang lúc đó người thứ nhất vẫn ngồi ở một góc, vừa hút thuốc vừa nguyền rủa ; người thứ hai ở một góc khác tiếp tục cầu nguyện.
Cuối cùng người thứ ba đã mở được một lỗ lớn trong vách tường và cả 3 người đã thoát ra khỏi căn phòng.
Trên đây là 3 thái độ khác nhau đối với sự cầu nguyện :
- Người thứ nhất coi cầu nguyện là mất giờ. Vì anh không có Đức Tin nên thái độ của anh cũng hợp lý thôi. Nếu bạn không tin Chúa thì cầu nguyện với Ngài sao được ?
- Người thứ hai coi cầu nguyện là một sự thay thế cho làm việc, vì thế sau khi cầu nguyện xong người ấy ngồi chờ Chúa giúp. Phải thành thật nhìn nhận rằng chúng ta cũng nhiều lần cầu nguyện cách này, đặc biệt là khi chúng ta cầu nguyện cho người khác. Chỉ là những lời nói, và những lời đó trở thành một cái cớ để ta khỏi làm việc.
- Người thứ ba tin tưởng vào hiệu quả của cầu nguyện, hiệu quả ấy không thay thế làm việc, mà là trợ lực cho làm việc. Cầu xin điều gì thì đồng thời cũng cố gắng làm bất cứ việc gì có thể để đạt được điều đó. Sự cầu nguyện này khơi lên niềm hy vọng và khuyến khích lòng can đảm. Nó cũng giúp ta cảm nhận rằng Chúa ở kề bên ta và không bỏ mặc ta trong cảnh khó khăn.
2. Có một thành phố nhỏ kia có đầy đủ mọi cơ quan và dịch vụ cần thiết như bệnh viện, trường học, nhà thờ, tòa án, chợ, tiệm may, tiệm ăn v.v... Chỉ thiếu một điều là không có thợ sửa đồng hồ. Bởi vậy các đồng hồ lớn đồng hồ nhỏ của những cư dân thành phố này dần dần cái thì hư, cái thì chạy sai. Một số người quẳng đồng hồ vào tủ. Một số khác cố gắng tự mình lau chùi, sửa chữa rồi tiếp tục dùng tạm mặc dù những chiếc đồng hồ ấy chạy không được chính xác lắm.
Một ngày kia có một người thợ sửa đồng hồ đến thành phố. Mọi người rất mừng, ai nấy đều mang đồng hồ đến nhờ anh sửa. Tuy nhiên anh nói thật: "Tôi chỉ có thể sửa những chiếc đồng hồ nào còn chạy. Còn những chiếc nào đã ngưng chạy từ lâu thì tôi không sửa nỗi vì chúng rỉ sét hết rồi".
Cầu nguyện luôn cũng giống như giữ cho chiếc đồng hồ đời ta luôn luôn chạy.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu bảo chúng ta phải cầu nguyện luôn, vì:
- Sự cầu nguyện luôn soi sáng niềm hy vọng và những dự định của chúng ta.
- Sự cầu nguyện luôn giúp ta phân biệt được điều gì là quan trọng, điều gì là tầm thường.
- Sự cầu nguyện luôn giúp ta khám phá ra những ước vọng chân thật, những ray rứt lương tâm bị bóp nghẹt, những nỗi khát khao bị quên lãng.
- Sự cầu nguyện luôn chỉ cho ta thấy những lý tưởng cao đẹp cần vươn tới.
- Và nhất là sự cầu nguyện luôn giữ ta thường xuyên gần gũi với Chúa.
3. Một lá thư được viết nguệch ngoạc của một đứa trẻ gởi vào bưu điện, và địa chỉ tới là Chúa. Nhân viên bưu điện lấy làm lạ liền mở ra đọc. Thư viết rằng: "Chúa thân mến, con là Tommy, con sáu tuổi. Ba con đã chết và mẹ con phải cực khổ để nuôi sáu anh em con. Xin Chúa cho chúng con 300 đồng nhé".
Đọc thư xong, anh nhân viên bưu điện rất xúc động và dưa cho các bạn đồng nghiệp xem. Họ quyết định quyên góp để giúp gia đình cậu bé. Số tiền tổng cộng là 100 đồng, và họ gởi tới địa chỉ cậu bé.
Vài tuần sau, họ nhận được lá thư thứ hai. Họ cũng mở ra đọc, thư viết như sau:"Lần tới, Chúa có thể gởi trực tiếp cho gia đình con, vì gởi qua bưu điện, họ giữ lại 200 đồng!"
Nghe xong câu chuyện, chúng ta phải bật cười vì sự ngây ngô của cậu bé, nhưng liền sau đó chúng ta lại cảm thấy hổ thẹn vì thấy bóng dáng mình thấp thoáng trong hình ảnh cậu bé: Chúng ta cầu nguyện và muốn được Chúa đáp lời tức thì theo yêu cầu chúng ta đề ra, nếu Người chậm đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đủ "chỉ tiêu"chúng ta đưa ra, thì chúng ta lại khó chịu, và cũng chẳng thèm cám ơn Người.
Phúc Âm hôm nay Chúa dạy các môn đệ: "Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí" (Lc 18,1). Người muốn chúng ta hãy liên lỉ cầu nguyện và cầu nguyện cách kiên trì. Như Môsê quì giang tay suốt ngày cầu nguyện cho dân Do Thái thắng trận, như bà goá suốt bao ngày tháng cầu xin quan toà minh xét cho bà, như thánh Mônica ròng rã 20 năm trường cầu nguyện cho người con là Augúttinô trở lại, chúng ta hãy cầu nguyện liên tục và bền chí, không hề nhàm chán, cả khi xem ra Chúa ngoảnh mặt làm ngơ.
4. Cầu nguyện là dầu giữ cho ngọn đèn Đức Tin luôn cháy sáng.
- Hoa trái của cầu nguyện là Đức Tin
- Hoa trái của Đức Tin là tình yêu
- Hoa trái của tình yêu là phục vụ
- Và hoa trái của phục vụ là bình an.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết kiên trì cầu nguyện và tin tưởng rằng Chúa sẽ ban cho con những điều tốt hơn cả những gì con xin, vì con tin rằng Chúa hằng yêu thương lo liệu cho con cái mình.